Monday, March 10, 2014

Chúa Nhật Tuần II: NUÔI DƯỠNG ĐỜI SỐNG CẦU NGUYỆN NƠI PHỤNG VỤ THÁNH THỂ

Cầu nguyện là cuộc đàm thoại liên tục giữa ta và Thiên Chúa, Đấng vẫn hằng yêu thương và muốn ở lại mãi với chúng ta.  Qua việc cầu nguyện, chúng ta gia tăng và đào sâu mối tương quan giữa riêng mình với Chúa.  Vậy thì các lời nguyện trong Phụng vụ giúp đẹp lại sự tập trung, sự phong phú và niềm hăng say cho chúng ta như thế nào trong đời sống cầu nguyện của người môn đệ Chúa?



Lời nguyện Nhập Lễ:
Lạy Chúa, Chúa đã dạy chúng con phải vâng nghe Con yêu dấu của Chúa; xin lấy lời hằng sống nuôi dường đức tin của chúng con, nhờ vậy, cặp mắt tâm hồn chúng con sẽ trong sáng để nhìn thấy vinh quang Chúa tỏ hiện trong cuộc đời chúng con.  Chúng con cầu xin nhờ danh Đức Giêsu là Con Chúa và là Chúa chúng con, Người hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.  Amen.


CÂU HỎI MỞ ĐẦU

  1. Những ai đã dạy bạn cầu nguyện?
  2. Bạn có cảm thấy mình vẫn cần phải học và hỏi luyện tập nhiều trong đời sống cầu nguyện?  Mới đây nhất bạn có khám phá hay học hỏi một điều gì mới về cầu nguyện mà trước đó bạn không biết không?
  3. Cảm nghiệm nào trong cầu nguyện mà bạn trân quý nhất?



BÀI SUY NIỆM


Cầu nguyện giúp chúng ta sống trong một mối tương quan sống động và thân tình với Thiên Chúa hằng sống và chân thật (Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, 2558).  Thiên Chúa chủ động việc cầu nguyện vì chính Ngài khao khát có được một mối tương quan mật thiết với con người.

Khi cầu nguyện trong Thánh Lễ, đó là một loại cầu nguyện riêng biệt: lời nguyện Phụng vụ.  Đây chính là lời nguyện chính thức và công khai của Giáo Hội.  Lời nguyện Phụng vụ có một giá trị đặc biệt, mặc dù nó không phải là hình thức cầu nguyện duy nhất trong đời sống người Kitô Hữu.

            Có nhiều cách cầu nguyện theo truyền thống Công Giáo, bao gồm suy niệm, các kinh đạo đức (devotions) như Chuỗi Mân Côi, lời nguyện bộc phát từ thâm tâm hay là trò chuyện cùng Chúa, lập lại một lời cầu nguyện đã được dạy trước (mantra) chẳng hạn như Kinh Lạy Cha, Lectio Divina, đáp xướng kinh hay Thánh Vịnh, than khóc với và ăn năn, ca hát những bài hát tâm tình hân hoan, dùng cử điệu hoặc múa (dâng hoa chẳng hạn), và còn nhiều hình thức khác nữa. 

Tất cả những hình thức cầu nguyện này đan kết lại trong cùng một đức tin duy nhất của Giáo Hội.   Chính tại trọng tâm này mà chúng ta khám phá ra sức mạnh kỳ diệu nhất của Phụng vụ Thánh Thể: cái neo vững chắc của tất cả các hình thức cầu nguyện.


Một Tổng Thể Có Tổ Chức

            Bởi vì tất cả chúng ta đều thuộc về một tổng thể duy nhất, chúng ta không thể phân chia các lời cầu nguyện chúng ta ra thành nhiều loại riêng biệt và cách biệt với nhau.  Lời nguyện trong Phụng vụ và lời nguyện ngoài Phụng vụ có một mối quan hệ mang tính tương quan (organic relationship).  Nếu đời sống cầu nguyện ngoài Thánh Lễ hời hợt, nghèo nàn thì lời nguyện trong Phụng vụ cũng sẽ mang dấu hiệu thiếu sức sống.  Ngược lại, nếu chúng ta không cầu nguyện đúng theo giá trị Phụng vụ trong Thánh Lễ, đời sống cầu nguyện riêng của chúng ta ngoài Thánh Lễ dễ trở nên ích kỷ chỉ hướng tới mình, mất đi tính tổng thể của đời sống đức tin.  Cầu nguyện theo giá trị Phụng Vụ chính là chia sẻ một cách sâu xa việc Giáo Hội trong một tổng thể thống nhất cùng thờ phượng Thiên Chúa.

            Điều đáng mừng là khi chúng ta tăng cường một bên, thì bên kia cũng được tiến triển.  Cho nên nếu chúng ta gia tăng lòng thành khẩn trong lời cầu nguyện của Phụng vụ, đời sống cầu nguyện cá nhân cũng sẽ được thừa hưởng những ánh vinh quang cao quý của một buổi Phụng vụ xứng đáng.  Cầu nguyện trong Phụng vụ cách xứng đáng là: chúng ta hiệp nhất cùng với mọi tín hữu trên hoàn cầu, chia sẻ nhịp điệu tuần hoàn của thời gian trong chu kỳ năm Phụng vụ, mùa Phụng vụ và các lễ trọng.  Sức mạnh cộng đoàn sẽ giúp chúng ta vững vàng hơn và bén rễ vững chắc nơi những giá trị quan trọng nhất.  Sức mạnh này sẽ tuôn chảy vào đời sống cầu nguyện của cá nhân.

            Cũng vậy, cam kết trung thành với đời sống cầu nguyện cá nhân sẽ làm phong phú hơn những cảm nghiệm trong khi cử hành Phụng vụ.  Thói quen cầu nguyện mỗi ngày đồng nghĩa với việc học hỏi cách lắng nghe tiếng Chúa, vun trồng ý thức mình đang sống trong sự hiện diện của Chúa, và mở rộng trái tim mình trước tình yêu thương của Chúa.  Còn cách chuẩn bị nào tốt hơn cho việc cử hành Phụng vụ khi chúng ta thường xuyên được gặp gỡ tình yêu của Thiên Chúa tuôn đổ từ Đức Giêsu Kitô.


Căn Bản Về Lời Nguyện Trong Phụng Vụ

Hãy thử lượt qua vài kiến thức căn bản về cầu nguyện trong Phụng Vụ.  Những lời nguyện này giúp hình thành căn tín chúng ta là những môn đệ của Chúa và giúp tăng cường đời sống đức tin của chúng ta:

Thiên Chúa Ba Ngôi
            
            Các lời nguyện trong Phụng Vụ đều mang tính chất “Ba Ngôi” một cách sâu sắc: những lời cầu xin của chúng ta được dâng lên Thiên Chúa Cha, thông qua Đức Giêsu Kitô, và trong Đức Chúa Thánh Thần.  Bài “Vinh Tụng Ca” ở cuối phần Lời Nguyện Thánh Thể diễn tả tính chất này rất rõ ràng:

“Chính nhờ Người, với Người, và trong Người, mà mọi danh dự và vinh quang đều quy về Chúa là Cha toàn năng, trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời.”

            Tính chất “Ba Ngôi” trong việc chúng ta thờ phượng Chúa nhắc nhở chúng ta rằng tất cả mọi cử hành Phụng vụ đều mang tính chất tương quan (relationship).  Phụng vụ không phải là một hành động của cá nhân, nhưng là một hoạt động của Giáo Hội, cho dù chỉ có một vài người tham dự Phụng vụ đó.  Chúng ta mừng lễ hay cử hành Phụng vụ Thánh Lễ với tư cách là một cộng đoàn.  Và chính trong căn tính cộng đoàn đó mà chúng ta được chia sẻ đời sống thiêng liêng của chính Thiên Chúa Ba Ngôi, Ngài là Tình Yêu trong trạng thái đang hoạt động liên lỉ.

Cấu Trúc

            Phần lớn các lời nguyện trong Phụng vụ có cấu trúc gồm bốn phần.  Biết được cấu trúc này sẽ giúp chúng ta hiểu ý nghĩa lời nguyện, và cũng có thể giúp chúng ta tự viết ra lời nguyện của mình.  Bốn phần đó là: Gọi đến danh Chúa; nhắc nhớ lại những việc Chúa đã làm; cầu xin Chúa hãy hành động một lần nữa trong hiện tại; và lời nguyện này được xin nhân danh Đức Kitô và trong Đức Chúa Thánh Thần.  Cấu trúc này chứa đựng tất cả ý nghĩa thần học của việc cầu nguyện: phẩm giá của chúng ta là con cái của Thiên Chúa, lòng biết ơn của chúng ta với những kỳ công Ngài đã thực hiện, bằng lòng tin tưởng chúng ta trình bày cho Ngài những nhu cầu trong hiện tại, và sự cậy dựa của chúng ta vào lời bầu cử của Đức Kitô, và quyền lực của Chúa Thánh Thần có thể hoàn thành những gì chúng ta cầu xin.  Lời nguyện Nhập Lễ Chúa Nhật thứ II Mùa Chay là một dẫn chứng cụ thể của cấu trúc này:

  • Gọi đến danh Chúa:  Lạy Chúa,
  • Nhắc nhớ: Chúa đã dạy chúng con phải vâng nghe Con yêu dấu của Chúa.
  • Cầu xin cho hiện tại: xin lấy lời hằng sống nuôi dường đức tin của chúng con, nhờ vậy, cặp mắt tâm hồn chúng con sẽ trong sáng để nhìn thấy vinh quang Chúa tỏ hiện trong cuộc đời chúng con.
  • Nhân danh: Chúng con cầu xin nhờ danh Đức Giêsu là Con Chúa và là Chúa chúng con, Người hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. 
Cấu trúc này nhắc nhở chúng ta tầm quan trọng của việc tưởng nhớ đến những kỳ công vĩ đại Chúa đã làm.  Khi tưởng nhớ đến việc Chúa đã tỏ lộ tình yêu, lòng thương xót và sự công bình cho chúng ta trong quá khứ, chúng ta có lý do vững chắc cho niềm hy vọng của mình vào tương lai.  Và nó cũng nhắc nhở chúng ta phải hằng ngày chạy đến Chúa để xin Ngài giúp trong những nhu cầu của mình.


Cầu Nguyện Trong Sự Hòa Hợp Toàn Thể Con Người

            Cầu nguyện trong Phụng vụ được kết thành trong cả thể xác lẫn tâm linh của con người.  Không hề có chuyện chúng ta có thể tự tách rời tâm linh ra khỏi thân xác, kiểu như “xuất hồn,” bởi vì chúng ta không thể nào cử hành Phụng vụ mà không có sự diễn tả bằng thể xác bề ngoài.  Khi chúng ta đứng, ngồi, hay quỳ; khi chúng ta làm Dấu Thánh Giá hay chia sẻ dấu chỉ bình an với nhau; khi chúng ta hít thở thật sâu, ca hát thật hăng say, khi chúng ta cất tiếng hay khi giữ thinh lặng; hay khi chúng ta ăn hay uống cùng với cộng đoàn: tất cả những hành động thuộc tính thể xác này được bao gồm trong việc cầu nguyện.  Được khơi nguồn cảm hứng từ Phụng vụ, chúng ta có thể đề ra những cử chỉ và diễn tả cụ thể khi chúng ta cầu nguyện tại gia đình, chẳng hạn như việc đốt nến, làm Dấu Thánh Giá, hoặc cử chỉ tôn kính Thánh Kinh.


Lời Chúa

            Chu kỳ ba năm của các bài đọc cung cấp cho đời cầu nguyện của chúng ta nguồn thực phẩm dồi dào phong phú.  Trong Phụng vụ, chúng ta được nghe Lời Chúa công bố và giảng giải.  Trong tuần, chúng ta có thể tiếp tục suy gẫm Lời đó.  Các bài đọc mà chúng ta nghe trong Thánh Lễ Chúa Nhật là món quà tuyệt vời cho đời sống cầu nguyện cá nhân, vì các bài đọc đó có thể dẫn dắt chúng ta đi xuyên xuốt toàn bộThánh Kinh.


Nghi Thức

            Vì là nghi thức, Phụng vụ dựa vào những lời đọc câu thưa, những cử chỉ và tư thế cố định.  Đây là một thế mạnh, cũng là một tính chất của Phụng vụ mà chúng ta cần phải hiểu biết thấu đáo.  Thỉnh thoảng có những lời phê bình là các nghi thức phụng vụ quá máy móc không diễn tả được nội tâm cá nhân; thật ra phê bình này là không đúng.  Nghi thức Phụng vu sở dĩ cố định vì chủ ý muốn tạo ra những cử chỉ cầu nguyện có tính đồng nhất cho tất cả mọi người, với những dấu chỉ và biểu tượng rộng thoáng đủ để có thể diễn tả hết tất cả mọi cảm nghiệm khác nhau của loài người, chứ không phải chỉ thuộc về một vài cá nhân.

            Ở bất cứ một Thánh Lễ Chúa Nhật nào cũng có người đau buồn khóc than mà cũng có người vui mừng hoan hỷ.  Phụng vụ phải thoáng rộng đủ để có thể mở vòng tay ôm ấp hết hai thái cực này, cũng như những tâm trạng khác nằm giữa hai thái cực đó, vì tất cả đều bao gồm trong cùng một Mầu Nhiệm Vượt Qua.  Dù có cảm thấy như mình đang là người hạnh phúc nhất thế giới hay đang lạc hướng cô đơn trên trần gian, Phụng vụ đều có chỗ cho mình trong đó, dẫn dắt mình nhớ lại lòng thương xót Chúa tỏ lộ trong quá khứ, gặp được Ngài trong hiện tại, và tin tưởng vào sự ân cần lo lắng của Ngài trong tương lai.


Năm Phụng Vụ

            Khi chúng ta giữ đúng các mùa Phụng vụ trong năm, lời cầu nguyện của chúng ta sẽ được như thêm sức sống, được trọn vẹn hơn vì nó trải dài qua suốt mầu nhiệm của Đức Kitô.  Mùa Vọng và mùa Phục Sinh giúp chúng ta mừng mầu nhiệm Nhập Thể, và làm tâm hồn được tỉnh thức đón nhận lời hứa và chu toàn những lời hứa đó từ Thiên Chúa.  Mùa Chay mời gọi chúng ta hoán cải liên lỉ.  Mùa Phục Sinh mừng sự sống lại của Đức Kitô, và sự sống mới sau phục sinh của Ngài, sự sống mà mọi người chúng ta vẫn được chia sẻ trong Chúa Thánh Thần.  Mùa Thường Niên tiếp tục khám phá những giáo huấn của Đức Kitô, cách thức theo chân Ngài trong cuộc sống, trở thành môn đệ của Ngài, và làm sao trở thành chính Hội Thánh Chúa.  Các ngày mừng lễ các Thánh quanh năm turyền cho chúng ta cảm hứng với các gương sáng về sự anh hùng và thánh thiện nơi các ngài.  Nhịp điệu của năm Phụng vụ mà chúng ta có thể đem vào việc mừng Bí Tích Thánh Thể sẽ giúp tạo ra nhịp điệu và màu sắc, cũng như nét đặc trưng cho đời sống cầu nguyện cá nhân.


CÂU HỎI CHIA SẺ


  1. Chia sẻ bất cứ một cảm nghiệm nào mà bạn gạn lọc được từ bài suy niệm này.
  2. Lời nguyện trong Phụng vụ (Thánh Lễ) đã giúp làm phong phú hơn đời sống cầu nguyện cá nhân của bạn như là người môn đệ Chúa như thế nào?
  3. Khi cầu nguyện ở nhà, bạn có theo một mô hình hay hình thức nhất định nào không?  Những mô hình hay hình thức này có thay đổi theo thời gian (như trong lịch Phụng vụ) không?  Những cách thức cầu nguyện này đã phản ảnh, hay đã giúp cảm nghiệm cầu nguyện của bạn trong Phụng vụ như thế nào?
  4. Dựa vào cấu trúc bốn phần của một lời cầu nguyện trong Phụng vụ, bạn hãy viết một lời nguyện cho riêng mình và chia sẻ với mọi người trong nhóm.

CÁC BÀI ĐỌC CHÚA NHẬT THỨ II MÙA CHAY


Sáng Thế 12: 1-4a
Thánh Vịnh 33
II Timôthê 1: 8b-10
Matthêu 12: 1-9

Cầu nguyện Lectio Divina trên đoạn Phúc Âm, Matthêu 12: 1-9


Lời Nguyện Hiệp Lễ:

Lạy Chúa, Chúa đã cho chúng con được vinh dự rước Mình và Máu Thánh Đức Kitô là bí tích nhiệm mầu cao cả.  Chúng con xin chân thành cảm thạ vì Chúa đã cho chúng con được nếm thử phúc lộc trên trời ngay khi còn ở dưới thế.  Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.  Amen.

No comments:

Post a Comment