Monday, February 23, 2015

Chuẩn bị cho Chúa Nhật II Mùa Chay: NHỮNG AI HIỆN DIỆN TẠI BÀN TIỆC?



Thức ăn nhanh, bữa ăn tối thân tình, bữa ăn dọn ở nhà, bữa ăn sang trọng.  Chúng ta ăn uống như thế nào và với ai - phần nào biểu lộ chúng ta là ai.  Khi chúng ta chia sẻ bữa tiệc Thánh Thể với Chúa Giêsu và với nhau, điều đó nói gì về chúng ta? Chúng ta đã đến tham dự bàn tiệc Thánh Thể này thế nào?  Còn có những ai tham dự bàn tiệc Thánh Thể?


LỜI NGUYỆN NHẬP LỄ


Lạy Chúa, Chúa đã dạy chúng con phải vâng nghe Con yêu dấu của Chúa.  Xin lấy lời hằng sống nuôi dưỡng đức tin chúng con, nhờ vậy, cặp mắt tâm hồn chúng con sẽ trong sáng để nhìn thấy vinh quang tỏ hiện trong cuộc đời chúng con.  Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con. Amen



CÂU HỎI GỢI Ý:


  1. Hãy nhớ lại một kinh nghiệm gần đây khi bạn dùng bữa với những người mà bạn biết rất rõ thí dụ một bữa ăn gia đình hoặc với một nhóm bạn thân.  Hãy nhớ lại một dịp mà bạn dùng bữa với nhiều người mà một số bạn không biết rõ (ví dụ như trong một buổi picnic của giáo xứ hoặc tiệc cưới).  Những kinh nghiệm này khác nhau ra sao?  Bạn thích những buổi tụ họp lớn hay nhỏ?  Tại sao?
  2. Khi bạn lớn lên, hình dáng bàn ăn trong gia đình bạn ra sao?  Vuông, tròn, chữ nhật?  Mỗi người có chỗ nhất định?  Sự sắp đặt chỗ ngồi có nói lên vai trò và mối qua hệ khác nhau trong gia đình không?  Bạn đã mang theo được điều gì từ kinh nghiệm tuổi thơ về chỗ ngồi nơi bàn ăn trong gia đình và điều đó ảnh hưởng thế nào trên bạn?
  3. Hãy nhớ đến những người nghèo đói trên thế giới.  Còn những loại nghèo đói nào khác mà con người đang phải gánh chịu?

  

BÀI SUY NIỆM


Bữa ăn cho nhóm 12 Tông Đồ và cho năm ngàn người


Từ nhiều câu chuyện của Chúa Giêsu trong Phúc Âm, có hai cảnh huống khác nhau giúp chúng ta có cái nhìn về Thánh Thể.  Thứ nhất là Bữa Tiệc Ly.  Chúa Giêsu dùng bữa tiệc này với các Tông Đồ và là bạn thân tín của Ngài.  Các ngài đã theo Chúa một cách trung thành trong mọi hoàn cảnh.

Mười hai Tông Đồ đã có nhiều thời giờ với Chúa trước bữa Tiệc Ly.  Họ đã nghe lời giảng dạy và chứng kiến phép lạ của Chúa.  Họ đã hít thở bầu khí phấn chấn khi nước Trời được công bố và họ cũng đã giúp Chúa rao giảng.  Họ biết Thầy của mình khá đầy đủ để đón nhận vinh nhục một cách gần gũi và riêng tư.  Chúa Giêsu đã mở rộng tầm nhìn của họ về đời sống nơi bàn tiệc qua việc đồng bàn với những người bán thân, thu thuế, và tội lỗi – mà những người vị vọng từ chối đồng bàn với họ.

Cảnh huống của bữa tiệc Thánh Thể là khi Chúa Giêsu nuôi đám đông dân chúng.  Câu chuyện này đều được tường thuật trong bốn Phúc Âm.  Có một vài chi tiết dị biệt, nhưng căn bản tất cả rất giống nhau.  Những người đi theo Chúa Giêsu rất đông đảo.  Chúa Giêsu động lòng thương họ, Ngài giảng dạy và chữa lành người đau bệnh.  Điều bất tiện là những người này ở xa các làng mạc trong khi họ cần phải ăn uống.  Các môn đệ đều bó tay.  Nguồn thực phẩm để nuôi đám đông dân chúng rất ít ỏi.  Nhưng Chúa Giêsu vẫn muốn các môn đệ cung cấp thức ăn nuôi dân chúng.  Sự bất lực của các môn đệ trước việc nuôi đám đông dân khiến ta phải suy nghĩ.  Điều gì sẽ xảy ra?

Thế rồi phép lạ xảy ra.  Chúa Giêsu cầm lấy bánh, chúc lành, bẻ ra và phân phát.  Điều không tưởng nhưng trở thành hiện thực.  Mọi người đã được ăn uống no nê và vẫn còn dư mười hai thúng bánh.

Chúng ta không biết nhiều về phản ứng của đánm đông.  Chỉ có Phúc Âm theo Thánh Gioan tường thuật rằng dân chúng ban đầu thì đói, nhưng khi ra đi thì họ được no thỏa.

Hai bữa tiệc này nói lên tầm qua trọng của việc cử hành Bí Tích Thánh Thể của chúng ta.  Bí Tích Thánh Thể hôm nay là việc làm trọn vẹn tính cách thành viên trong giáo hội.  Đây là bữa tiệc của mọi bữa tiệc mà Chúa Giêsu là Thầy cả đã ngồi đồng bàn với các môn đệ thân tín theo Ngài.  Đây là nơi chúng ta nhận biết Chúa Phục Sinh với tư cách là những người bạn yêu dấu của Ngài.

Chính vì thế, nếu chúng ta quan niệm bữa Tiệc Thánh Thể là một bữa tiệc riêng tư chỉ dành cho một nhóm người riêng biệt trong Giáo Hội, thì chúng ta đã bỏ lỡ cái nhìn toàn cảnh.  Phúc Âm mở rộng tầm nhìn của chúng ta ra ngoài phạm vi bó buột và mở rộng tới những người nghèo đói của toàn nhân loại.  Chúa Giêsu động lòng thương xót đám đông dân chúng đang đói khát và Ngài đã nuôi sống họ.

Rửa Tội, Thêm Sức và Đến Bàn Tiệc Thánh


Một trong những tái khám phá lớn lao trong Giáo Hội ngày nay là tiến trình dự tòng.  Tham chiếu từ thực hành trong những thế kỷ đầu của Giáo Hội, tiến trình dự tòng là cách thức dẫn dắt những thành viên mới bước vào đời sống của Chúa Giêsu Kitô.  Những bước và giai đoạn trong khai tâm Kitô Giáo đã lôi kéo trí tưởng tượng của nhiều người.  Tại sao?  Bởi vì nó kết hợp tiến trình học hỏi để trở nên môn đệ Chúa qua việc cử hành các Bí Tích, và có được những kinh nghiệm trong cộng đoàn đức tin.  Tiến trình, các Bí Tích, và đời sống cộng đoàn được hoà quyện vào nhau.

Với việc thi hành chương trình khai tâm Kitô Giáo, dự tính cho lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội đã chậm lại nhưng diễn tiến một cách chắc chắn. Chúng ta bắt đầu hiểu rằng Bí Tích Rửa Tội nhắm vào ơn gọi trở thành môn đệ Chúa, và vì thế cần có thời gian.  Như những môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu, những ai muốn theo Ngài hôm nay cũng cần dành thời giờ với Ngài và chia sẻ đường lối của Ngài với anh chị em môn đệ khác, trước khi hoàn toàn chia sẻ bữa tiệc Thánh Thể của Ngài.

Nói cách khác, vì kinh nghiệm của chương trình khai tâm Kitô Giáo dành cho người lớn, Giáo Hội ngày nay đã nắm chắc hơn về tương quan giữa Bí Tích Rửa Tội và Thêm Sức với Bí Tích Thánh Thể.  Chúng ta được thanh tẩy trong nước Rửa Tội và xức dầu Thêm Sức để được xứng đáng tham dự bàn tiệc Thánh Thể.  Trước khi đi tham dự một bữa tiệc quan trọng, người ta thường tắm rửa và xức nước hoa thơm tho; chúng ta cũng chuẩn bị cho bữa tiệc Thánh Thể bằng việc thanh tẩy trong nước Rửa Tội, mặc áo mới, và được xức đầu thơm dự tòng.

Thanh tẩy, áo rửa tội, dầu dự tòng:  đây là những dấu tích của sự biến đổi sâu xa và linh thánh.  Chúng ta trở nên tạo vật mới mặc lấy Chúa Kitô.  Những ai tham dự bàn tiệc Thánh Thể được mời gọi chia sẻ trọn vẹn sự sống Chúa Kitô, Đấng hiện diện thực sự trong cộng đoàn.

Những người được mời gọi tham dự bàn tiệc Thánh Thể không phải vì họ thánh thiện tốt lành hơn người khác.  Phẩm giá của họ nơi bàn Thánh là món quà của ân sủng.  Nhưng đó cũng là một dấu chỉ cho cả thế giới.  Họ được kêu gọi và sai đi để giúp người khác khám phá ra vương quốc của công bằng, yêu thương và bình an từ Thiên Chúa, một vương quốc ngoài sức tưởng tượng của con người.

Đời sống mới của chúng ta trong Đức Kitô được ban phát qua Bí Tích Rửa Tội và được vững mạnh nơi Bí Tích Thêm Sức; đó là đời sống phục vụ.  Không có nơi nào biểu lộ rõ ràng hơn tại Bí Tích Thánh Thể: nơi đây, chúng ta được nuôi dưỡng rồi để được sai đi vào lòng thế giới.

Khi chúng ta hiểu sâu xa hơn mối qua hệ giữa Bí Tích Rửa Tội, Thêm Sức và Thánh Thể qua chương trình khai tâm Kitô Giáo, chúng ta cũng hiểu tầm qua trọng của việc rửa tội cho trẻ sơ sinh.  Việc học hỏi trở nên môn đệ trước hoặc sau khi lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội luôn là điều quan trọng.  Bí Tích, một cách nào đó, không tách rồi đời sống Kitô Hữu, nhưng nhào luyện con người chúng ta.  Các Bí Tích chữa lành, tái tạo và tha thứ chúng ta.

Trở lại câu chuyện Chúa hoá bánh nuôi năm ngàn người, chính Ngài đã ra lệnh “chính các con hãy cho họ ăn.”  Ai là người hiện diện nơi bàn Thánh?  Đám đông dân chúng.  Ngoài cửa, trên đồng vắng, Chúa Giêsu ban phát của ăn cho họ qua tay các môn đệ của Ngài, những người mà ban đầu không chắc họ có khả năng hoàn thành nhiệ vụ này.  Đâu là phản ứng của họ?  Họ cảm thấy mình không thể làm được, và thực sự là vậy.  Những gì trong khả năng của họ: năm chiếc bánh và hai con cả, thật là nhỏ nhoi ít ỏi. Đức Giêsu đòi họ làm điều không thể được.

Đây là một nghịch lý của ơn gọi Kitô Hữu.  Điều chúng ta tự sức mình không thể làm được, chúng ta có thể làm nhờ Đức Kitô và với Đức Kitô.



CÂU HỎI THẢO LUẬN


  1. Những thảo luận trên đây có mới mẻ và lôi kéo sự chú ý của bạn không?  Phản ứng của bạn thế nào?
  2. Hãy nghĩ về Bí Tích Rửa Tội hay Thêm Sức của riêng bạn bao gồm hình ảnh, câu chuyện, ký ức trong gia đình đã đem đến cho bạn.  Hãy nhớ lại nơi chốn, thời giờ, và những người có mặt ở đó.  Có sự liên hệ nào giữa những biến cố này và cuộc sống của bạn với tư cách là môn đệ của Chúa Giêsu ngày hôm nay không?
  3. Có bao giờ bạn cảm thấy thiếu tự tin để đáp trả lời mời gọi của Chúa?  Đều gì đã giúp bạn trong những giây phút đó?
  4. Trong tất cả những nhóm người có nhu cầu được chăm sóc nuôi dưỡng cách đặc biệt ngày nay, bạn nhóm nào mình được kêu gọi để phục vụ?  Hãy thảo luận cách thức bạn có thể làm để đáp lại lời kêu gọi phục vụ này.



LỜI CHÚA TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT II MÙA CHAY

  • Sáng Thế Ký 9: 8-15
  • Thánh Vịnh 25
  • I Phêrô 3: 18-22
  • Mác-cô 1: 12-15


LECTIO DIVINA

     Mác-cô 1:12-15


LỜI NGUYỆN HIỆP LỄ

Lạy Chúa, Chúa đã cho chúng con được vinh dự rước Mình và Máu Thánh Đức Kitô là bí tích nhiệm mầu cao cả.  Chúng con chân thành cảm tạ vì Chúa đã cho chúng con được nếm thử phúc lộc trên trời ngay còn khi ở dưới thế.  Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.  Amen.


Wednesday, February 18, 2015

Chuẩn bị cho: CHÚA NHẬT TUẦN I MÙA CHAY


Ngược với chủ thuyết cá nhân thịnh hành ngày nay, sự thật là hầu như ai cũng mong muốn mình thuộc về một gia đình, một cộng đoàn hay một hội nhóm nào đó.  Chúng ta thích tham gia với nhóm này hay hội đoàn kia.  Có những nhóm thật sự hữu ích, một số nhóm khác chỉ là để giải trí, và cũng có những nhóm thật sự có thể giúp chúng ta tăng trưởng ơn gọi hoặc củng cố những giá trị sống chúng ta hằng theo đuổi.  Quyết định tham dự Phụng vụ Thánh Thể mỗi Chúa Nhật là một lựa chọn tốt đẹp, nhưng thật sự chúng ta làm gì mỗi khi tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật?


LỜI NGUYỆN NHẬP LỄ

            Lạy Thiên Chúa toàn năng, hằng năm Chúa ban cho chúng con bốn mươi ngày chay thánh, để tôi luyện hồn xác chúng con.  Xin giúp chúng con sống những ngày khắc khổ ấy, để học biết Đức Kitô, và dõi theo gương Người, hầu xứng đáng hưởng ơn Người cứu độ.  Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.

CÂU HỎI MỞ ĐẦU

  1. Liệt kê những đoàn nhóm hội hiệp ngoài cộng đoàn Giáo Xứ mà bạn đã từng là thành viên.
  2. Đâu là những lý do thúc đẩy người ta họp nhóm lại với nhau? (gợi ý: khi gặp khủng hoảng, chia sẻ cùng một mục đích, lý tưởng hay một loại hình sinh hoạt giải trí, ý thích, cùng một công tác, nhu cầu nâng đỡ nhau, nhằm thăng tiến cá nhân hay đoàn thể, thi hành một nhiệm vụ hay bổn phận luân lý nào đó, v.v…)
  3. Có bao giờ bạn từng tham gia một hội nhóm vì một mục tiêu hay lý do nào đó, nhưng sau một thời gian khám phá ra một kết quả bất ngờ nào khác?  Dành vài phút suy nghĩ, sau đó chia sẻ với nhóm.


BÀI SUY NIỆM


Tin Mừng Đức Giêsu

            Trong Tin Mừng thánh Gioan, việc Đức Giêsu Kitô đến trần gian là sự kiện mang tính chất quyết định quan trọng của lịch sử nhân loại.  Đây thực sự là bước ngoặt của nhân loại.  Sự kiện Giêsu không chỉ đơn thuần là một trong muôn vàn sự kiện lịch sử khác, mà là một sự kiện mang tính chất quyết định.  Cuộc gặp gỡ giữa ta với Ngài khác với những cuộc gặp gỡ trong cuộc sống.  Sự đáp trả của ta với Ngài trong cuộc gặp gỡ này sẽ mang tầm quan trọng bậc nhất.
            Tương tự Gioan, những phiên bản Tin Mừng khác (Matthêu, Máccô, Luca) cũng khẳng định rằng Đấng Giêsu quan trọng hơn bất cứ nhân vật hay sự kiện nào khác trong lịch sử.  Nước Trời mà Ngài rao giảng thật là huyền nhiệm.  Như men bột, nó hoạt động rất âm thầm.  Như hạt giống, nó nảy nở trong bí mật.  Nhưng Nước Trời sẽ thay đổi tất cả mọi sự.
            Cuộc đời Đức Giêsu được mở ra trong Tân Ước như những tin vui mừng thật sự.  Ai đã một lần gặp gỡ Ngài đều cảm nhận được niềm hân hoan này.  Đời sống họ được thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn, và Tin Mừng Ngài dạy trở nên nguồn ảnh hưởng sâu xa trong cuộc đời họ.  Đau khổ, khó khăn, hay mâu thuẫn dường như không còn có sức ảnh hưởng cuộc đời họ nữa.  Ngay cả khi thế giới xem họ là rác rưởi thừa thải, họ vẫn cảm nhận mình là người có phúc.  Họ chúc tụng Chúa.  Họ kể cho người khác nghe những gì họ đã thấy và đã cảm nghiệm.  Họ yêu thương người khác với một lòng quãng đại mới mẻ.  Họ kiên cường.  Họ cảm nghiệm được nguồn bình an mà thế giới này không thể cho được.
            Tin Mừng Đức Giêsu được tuôn đổ tràn trề trong cuộc đời những người đã gặp gỡ Ngài.  Tin Mừng này tiếp tục được tuôn đổ dồi dào trong đời sống của Giáo Hội qua quyền năng của Chúa Thánh Thần.  Những sự kiện được kể đến trong sách Công Vụ Tông Đồ thật là những cảm nghiệm kỳ diệu.  Và giữa những dấu chỉ đó, có một dấu chỉ nổi bật nhất,  đó là cộng đoàn những tín hữu đầu tiên: rất vững chãi mà cũng rất khiêm tốn.  Cộng đoàn này dần lớn mạnh xung quanh những vị Tông Đồ của Đức Giêsu bởi vì họ đã nghe và đã tin vào Tin Mừng.  Thánh Luca có viết: “Họ chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, hiệp thông với nhau, tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện” (CVTĐ 2:42).  “Lễ bẻ bánh” đây chính là Thánh Lễ mà chúng ta vẫn tham dự ngày nay.
            Đối với những người ngoài, cộng đoàn Kitô Hữu đầu tiên này thật là đặc biệt vì cách sống của họ.  Tertullian, một tác giả Kitô Giáo vùng Bắc Phi vào thế kỷ thứ hai đã từng nhận định rằng, chính lòng bác ái của những Kitô Hữu này là lý do chủ chốt làm họ nổi bật đối với những người ngoại giáo: “Họ nói với nhau rằng: trông xem, họ yêu thương nhau đến chừng nào.”  Qua mọi thời đại, sứ mạng chủ yếu của Giáo Hội là trở thành hiện thân sống động của tình yêu từ Đức Kitô.  Giáo Hội, món quà tuyệt diệu từ Thiên Chúa và là công việc của Chúa Thánh Thần, chính là một phần của Tin Mừng trọng đại này.


Mầu Nhiệm Vượt Qua

            Tại trọng tâm của Tin Mừng Đức Giêsu Kitô là một mầu nhiệm căn bản: Mầu Nhiệm Vượt Qua.  Đôi khi cũng được gọi là Mầu Nhiệm Phục Sinh, hay Mầu Nhiệm Đức Kitô vượt qua cái chết đến sự sống.  Mầu Nhiệm Vượt Qua chứng tỏ cho chúng ta tình yêu thương sâu đậm Thiên Chúa dành cho loài người.  Thập giá và sự Phục sinh của Đức Giêsu, sự chết và sống lại của Con Thiên Chúa, chính là hoạt động trung tâm của tình yêu cứu chuộc từ Thiên Chúa.
            Nếu Đức Giêsu được sinh ra ở Bethlehem như là Con Một của Thiên Chúa, và Con của Đức Maria, điều đó không thôi chưa đủ.  Nếu Đức Giêsu chỉ đi rao giảng về Nước Trời và dạy cách sống xứng hợp, điều đó không thôi chưa đủ.  Nếu Ngài chỉ chữa lành bệnh tật và làm những dấu lạ, nhân loại đã vẫn phải sống trong sự mong đợi một đấng cứu thế.  Thật vậy, chính sự tự hiến trọn vẹn của Đức Giêsu trên Thánh Giá và sự Phục sinh của Ngài đã giải thoát và đã cứu độ mọi người.  Chính sự chết và sống lại của Ngài làm cho mọi sự sinh hoa kết quả.
            Tất cả những mặt khác trong cuộc đời Đức Giêsu đều quy tụ về trung tâm điểm của Mầu Nhiệm Vượt Qua.  Những thử thách, những hy vọng và vinh quang của đức tin chúng ta đều tìm được nguồn mạch từ trọng tâm này.
            Vì lý do đó, Mầu Nhiệm Vượt Qua được đặt vào vị trí trung tâm của Phụng vụ.  Đây cũng là cách Giáo hội tính toán thời gian, bởi vì từ thời xa xưa, Chúa Nhật (ngày của Chúa) được tôn trọng như ngày Phục Sinh trong chu kỳ hàng tuần, và Tam Nhật Vượt Qua là cao điểm của trong Năm Phụng Vụ.  Mầu Nhiệm Vượt Qua trở thành điểm tựa của tất cả các Bí Tích.  Và đặc biệt nhất, đây là mầu nhiệm được mừng trong mỗi Thánh Lễ.


Lý Do Chính Yếu

            Thử hỏi mười người Công Giáo hôm nay tại sao họ lại đi Lễ ngày Chúa Nhật, có lẽ Mầu Nhiệm Vượt Qua sẽ không phải là lý do đầu tiên mà họ nghĩ đến.  Có lẽ họ sẽ nói là để đi cầu nguyện.  Có thể họ sẽ trả lời là vì họ thích được rước lễ, hoặc là vì Cha Sở và bà con tín hữu trong Giáo xứ rất là quan trọng đối với họ.  Có lẽ họ đi vì họ muốn tháp tùng theo vợ hay chồng hay người trong gia đình.  Có lẽ họ sẽ giải thích bởi vì họ đã được dạy và huấn luyện từ nhỏ, và đó là một bổn phận họ muốn chu toàn.
            Tất cả những lý do này đều đúng.  Nhưng việc tham dự Phụng vụ Thánh Lễ Chúa Nhật cần phải dần dần dẫn chúng ta đến một cảm nghiệm sâu xa rằng những gì Thiên Chúa thực hiện trong con người Giêsu mới chính là lý do chính yếu cho việc chúng ta tụ họp lại với nhau.


Vỡ Mộng và Tái Khám Phá

            Trung thành trong việc thờ phượng Thiên Chúa suốt cuộc đời không phải là điều dễ.  Đôi khi đụng chạm với thực tế và vỡ mộng với lý tưởng, nhiều người có thể mất đi nhiệt tâm trong việc tham dự Phụng vụ ngày Chúa Nhật.  Khi họ thấy như Giáo hội đang bị phân tán và yếu sức, hoặc không có định hướng, có thể họ sẽ bắt đầu đặt lại vấn đề.  Liệu Tin Mừng cao trọng và sâu sắc có còn có ý nghĩa trong cuộc sống hôm nay?  Liệu việc Con Thiên Chúa được sai đến để cứu chúng ta, liệu việc Ngài chết và sống lại cho sự cứu rỗi của con người, có còn là một “tin” đáng chúng ta vui mừng hân hoan?
            Chỉ qua việc quay trở lại với ý nghĩa trọng tâm của Phụng vụ và trở lại với câu chuyện của Đức Giêsu, chúng ta mới có thể tìm lại được nhiệt tâm trong việc thờ phượng.  Mọi người đều được mời gọi đến gặp gỡ với Đức Giêsu Kitô một lần nữa, và bằng một cách mới mẽ, trong mỗi giai đoạn mới của cuộc đời, nhất là những giai đoạn họ cảm thấy thất vọng và chán nản.  Khi sự tái khám phá này diễn ra, mầu nhiệm chết và phục sinh của Ngài lại một lần nữa mở ra cho chúng ta, nhưng ở một mức độ sâu xa hơn trước.
            Giáo hội hôm nay so với Giáo hội những tín hữu đầu tiên theo Đức Giêsu không khác là mấy.  Dù họ đã nghe được Tin Mừng trực tiếp từ miệng của Thầy Chí Thánh, họ vẫn thường xuyên cảm thấy nhầm lẫn, bối rối và yếu đuối.  Kinh Thánh không dấu được những lần họ hèn nhát và quyết định một cách ngu xuẩn.  Đôi khi, họ cũng nhận ra được tầm quan trọng của Thầy Giêsu, nhưng ở những lần khác họ chỉ biết chú trọng đến chính mình.
            Ngay cả sau khi Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, các Môn đệ Người vẫn cảm thấy sợ hãi.  Họ tập họp lại trong phòng, khóa cửa kín lại.  Nhưng Đức Giêsu Phục Sinh vẫn đến và đứng giữa họ, ngay giữa sự nhút nhát và thiếu tin tưởng đó.  Ngài xuyên phá cánh cửa bị khóa chặt.  Ngài tha thứ những lỗi lầm của họ và đem lại cho họ bình an.  Ngài thổi hơn trên họ để ban Thánh Thần.  Và họ được thay đổi.
            Thánh Lễ là lúc Giáo hội tập họp lại với nhau để lại được một lần nữa nghe Tin Mừng và gặp gỡ Đấng Giêsu đã sống lại trong Mầu Nhiệm Vượt Qua của Ngài.  Đức Giêsu tiếp tục xuyên phá bất cứ rào cản nào để lại đứng giữa chúng ta, để lần nữa thở hơi trao ban chính Thánh Thần của Ngài, lần nữa tăng thêm sức mạnh để chúng ta trở thành những môn đệ can đảm như chính ngài đã gọi chúng ta.  Qua việc lắng nghe và tham dự một cách tích cực, và việc sống Thánh Thể, chúng ta lại sẽ được lần nữa biến đổi.



CÂU HỎI THẢO LUẬN

1.    Ý tưởng hay câu nào trong bài suy niệm này đánh động bạn nhất và tại sao?
2.    Đâu là 3 lý do chính mà bạn đi lễ Chúa Nhật hiện nay?  Những lý do này có từng thay đổi và thay đổi như thế nào trong quá khứ?
3.    Có bao giờ bạn nghiệm qua sự vỡ mộng trong lý tưởng rồi lại tái khám phá trong niềm tin trên hành trình tâm linh của bạn?  Sự việc nào hay người nào đã giúp bạn trong cảm nghiệm này?  Đức tin và việc thi hành đức tin của bạn được thay đổi như thế nào?  Chia sẻ với nhóm.
4.    Bạn hiểu gì về Mầu Nhiệm Vượt Qua?  Mầu nhiệm này (thập giá và sự phục sinh của Đức Giêsu) nói gì với thế giới chúng ta đang sống hôm nay?


CÁC BÀI ĐỌC CHÚA NHẬT TUẦN I

  • Sáng Thế Ký 9: 8-15
  • Thánh Vịnh 25
  • I Phêrô 3: 18-22
  • Máccô 1: 12-15



CẦU NGUYỆN LECTIO DIVINA
            Máccô 1: 12-15


LỜI NGUYỆN HIỆP LỄ


            Lạy Chúa, Chúa đã thương lấy bánh bởi trời nuôi dưỡng chúng con, làm cho đức tin thêm mạnh mẽ, đức cậy được vững vàng, đức mến hằng tha thiết.  Xin dạy chúng con biết khao khát tìm kiếm Đức Kitô là bánh trường sinh đích thực, và biết lấy lời Chúa làm lương thực hằng ngày.  Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.  Amen.