Sunday, April 6, 2014

Chúa Nhật Lễ Lá: NIỀM HY VỌNG ĐỜI SỐNG VĨNH CỮU NƠI ĐỨC KITÔ



Khi đến gần cao điểm của Năm Phụng Vụ, chúng ta được Phụng Vụ chuẩn bị cách sâu sắc để bước vào Mầu Nhiệm Vượt Qua của việc Chúa Kitô chịu chết và sống lại.  Đặc biệt, Thánh Lễ Vọng Phục Sinh tối Thứ Bảy Tuần Thánh cho chúng ta toàn cảnh của cuộc đời người Kitô Hữu, trong những mong chờ và hy vọng mỗi ngày.  Vậy mỗi Thánh Lễ mà chúng ta cử hành hằng tuần giúp chúng ta mừng mầu nhiệm Phục Sinh và sự sống đời đời như thế nào?



Lời Nguyện Nhập Lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã muốn cho Đấng cứu chuộc loài người phải sống kiếp phàm nhân và chịu khổ hình thập giá để nêu gương khiêm nhường cho thiên hạ noi theo.  Xin cho chúng con biết đón nhận bài học Người để lại trong cuộc thương khó, và được thông phần vinh quang phục sinh với Người.  Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn đời.





CÂU HỎI GỢI Ý


1.    Biến cố nào trong năm qua là quan trọng nhất đối với bạn (mất việc làm, lập gia đình, có con, người thân qua đời …?)  Bạn có thấy yếu tố “chết đi và sự sống mới” trong những biến cố đó không?  Chia sẻ cảm nghiệm của bạn.
2.    Trong Tam Nhật Vượt Qua năm nay – Thứ Năm, Thứ Sáu và Thứ Bảy Tuần Thánh – bạn muốn cầu nguyện cho điều gì hay cho ai?  Tại sao?
3.    Bạn đã từng tham dự Lễ Vọng Phục Sinh chưa?  Nếu chưa, lý do tại sao?  Nếu đã tham dự rồi, phần nào trong Thánh Lễ bạn thích nhất?


BÀI SUY NIỆM


          Trong năm, chu kỳ Phụng vụ trình bày cho chúng ta những câu chuyện về cuộc đời Đức Giêsu.  Chúng ta cùng tưởng niệm mầu nhiệm Đức Kitô đến sống giữa chúng ta như một con người, cuộc đời và sứ vụ của Ngài khi còn sống trên trần gian, cái chết và sự sống lại, và việc Chúa Thánh Thần ngự đến.  Khi chúng ta tưởng niệm Đức Giêsu một cách tích cực, dần dần cuộc đời của mỗi người chúng ta cũng đi sâu vào mầu nhiệm sự sống, sự chết và phục sinh của Ngài.  Câu chuyện cuộc đời của Ngài cũng dần trở thành câu chuyện cuộc đời của chính mỗi người chúng ta.  Những Môn đệ Ngài kêu gọi, hay Hội Thánh Ngài thiết lập không những chỉ hiện hữu cách đây vài ngàn năm ở một phương trời nào rất xa xôi, nhưng còn rất thật, rất sống động hôm nay và là một phần của cuộc đời chúng ta hôm nay.

          Mỗi năm chúng ta lại mừng các ngày lễ và mùa Phụng vụ theo chu kỳ.  Dù cùng là những ngày lễ và mùa lễ đó, nhưng chúng ta cử hành khác hơn năm trước một ít.  Mỗi năm, chúng ta đem vào việc cử hành phụng vụ thêm một ít kinh nghiệm sống, cùng đón mừng nhiều niềm vui mới, và cùng cố nguôi ngoai những nỗi đau buồn mới.  Mầu nhiệm của Đức Kitô sẽ gặp chúng ta ở những điểm gặp gỡ mới mỗi năm, và bước vào cuộc đời chúng ta một cách mới mẻ hơn năm trước. 


Cao Điểm Năm Phụng Vụ

          Giáo Hội chỉ cho chúng ta thấy cao điểm của một năm Phụng Vụ là Tam Nhật Phục Sinh: một mầu nhiệm thống nhất được trải ra trong ba ngày cử hành, mầu nhiệm Đức Kitô chịu chết và sống lại.  Ba ngày cực thánh đó là Thứ Năm Tuần Thánh, Thứ Sáu Tuần Thánh và Phục Sinh (gồm ngày Lễ Vọng tối Thứ Bảy).
          “Tam Nhật Phục Sinh bắt đầu từ Thánh lễ tối Thứ Năm tưởng niệm buổi tiệc ly, đạt tới cao trào tại Thánh lễ Vọng Phục Sinh, và kết thúc bằng Giờ Kinh Phụng Vụ chiều Chúa Nhật Phục Sinh” (General Norms of the Liturgical Year and the Calendar, 19).  Các Thánh Lễ Chúa Nhật Phục Sinh vang vọng lại sự vui mừng hoan hỷ của việc Phục Sinh Đức Kitô, nhưng Thánh Lễ Vọng Phục Sinh (tối Thứ Bảy), cũng là Thánh Lễ Phục Sinh đầu tiên, mới là cao điểm của Tam Nhật.


Tại sao có Lễ Vọng? 

          Tại sao Giáo hội ấn định cao cao điểm của Tam Nhật Thánh là đêm Vọng Phục Sinh thay vì các Thánh Lễ trong ngày Chúa Nhật Phục Sinh? 

          Thánh Lễ Vọng Phục Sinh quả thật là một nghi thức huy hoàng vô cùng.  Ngọn lửa mới thắp lên những ngọn nến giữa bóng đen đêm tối, nhiều bài đọc trong Phụng vụ Lời Chúa, lời kinh Alleluia được vang lên sau một thời gian dài vắng tiếng, Phúc Âm của câu chuyện Phục Sinh, việc cử hành Bí Tích Rửa Tội và Thêm Sức, và mọi người lập lại lời tuyên xưng đức tin lúc rửa tội – tất cả để dẫn đến cử hành Phụng vụ Thánh Thể - tất cả đánh động một cách sâu xa đến tất cả các gian quan con người của chúng ta.  Tuy nhiên, đêm Vọng Phục Sinh còn có ý nghĩa sâu xa hơn cả những nghi thức huy hoàng đó.

          Các nghi thức Vọng Phục Sinh có từ thời sơ khai của Giáo hội.  Nó là nghi thức cổ xưa nhất trong các nghi thức Phụng vụ trong một năm.  Ban đầu, nghi thức Vọng Phục Sinh này là cử hành mừng lễ Phục Sinh duy nhất.  Dù những chứng cứ lịch sử cho rằng những nghi thức này hình thành từ thế kỷ thứ hai, thật ra nó có nguồn gốc còn xưa hơn nữa.  Mãi đến thế kỷ thứ năm, Giáo hội mới tăng thêm những Thánh Lễ trong ngày Chúa Nhật Phục Sinh để có thể đáp ứng nhu cầu con số giáo dân tham dự quá đông.

          Ý nghĩa sâu xa của các nghi thức Phụng vụ đêm Vọng Phục Sinh là chính ở tính chất “vọng đợi,” tính chất canh thức,” thời gian mong chờ Đấng Kitô Phục Sinh đến với chúng ta và dẫn chúng ta vào ánh sáng mới và cuộc sống vĩnh cữu.  Thánh Augustine diễn tả ý nghĩa này thật sắc xảo: Trong đêm Vọng Phục Sinh, các tín hữu không phải mong chờ Chúa sống lại từ cõi chết, tưởng như xác Ngài vẫn còn nằm trong mồ.  Hành động canh thức thật ra là tượng trưng của cả cuộc đời đức tin chúng ta.  Bài suy niệm Tin Mừng sau đây lưu lại từ thời xưa nói lên ý nghĩa của đêm Canh Thức: “Việc chúng ta mừng lễ mỗi năm không chỉ đơn thuần là tưởng nhớ lại một sự kiện của dĩ vãng; nó thúc đẩy sự tham gia tích cực của chúng ta ở hiện tại; chúng ta tham gia bằng đời sống đức tin của mình, và đó là những gì việc mừng lễ đêm Vọng Phục Sinh tượng trưng.  Cả cuộc đời chúng ta giống như một đêm dài chờ đợi trong bóng tối, trong suốt thời gian chờ đợi đó, Giáo hội vẫn không ngừng canh thức, mong đợi sự trở lại của Thiên Chúa như đã hứa. 


Lễ Mừng Chiến Thắng 

          Trong lịch sử Giáo hội xa xưa, việc canh thức mong chờ sự trở lại của Thiên Chúa  quan trọng vô cùng, nhất là thời Giáo hội sơ khai.  Thật ra hôm nay, chúng ta vẫn còn đang cầu nguyện mong đợi ngày trở lại của Đức Kitô như vậy mỗi khi chúng ta cử hành Phụng Vụ Thánh Thể.
          Chúng ta nghe lời nhắc nhớ này trong Thánh Lễ, ở nghi thức Rước Lễ, sau khi đọc kinh Lạy Cha, vị chủ tế đọc: “đang khi chúng con mong đợi niềm hy vọng hồng phúc, và ngày trở lại của Đức Kitô, Chúa chúng con.”  Chúng ta cũng được nhắc nhớ đến vinh quang Đức Kitô khi đọc kinh “Lạy Chiên Thiên Chúa, xin thương xót chúng con,” và khi vị chủ tế nhắc nhở: “phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa.”  Đây là những lời của thánh Gioan, tác giả sách Khải Huyền.  Những lời này giúp chúng ta nhớ đến thị kiến về Chiên Con toàn thắng đang ngự trên ngai uy linh.  Chúng ta được mời gọi tham dự vào vinh quang chiến thắng của Ngài như đã được viết trong sách Khải Huyền: “Và thiên thần nói với tôi: ‘Hãy viết xuống: phúc cho ai được mời đến dự tiệc của Chiên Thiên Chúa” (Khải Huyền 19: 9). 

          Có thể chúng ta đã nghe những lời này quá nhiều lần, nhưng chúng ta có hiểu ý nghĩa của nó chăng?  Ý nghĩa thần học ở đây rất sâu sắc, một thần học của sự phục sinh của hy vọng và là lời hứa cho cả thế giới, thần học của đời sống vĩnh cữu.  Bữa tiệc Thánh Thể chỉ là dạo màn, một dấu chỉ và sự chuẩn bị cho bữa tiệc vĩ đại huy hoàng trên Thiên đàng, và chiến thắng vinh quang của Đức Kitô trên tội lỗi và sự chết.  Khi chia sẻ cùng một tấm bánh, chúng ta như nói lên rằng chúng tôi đặt niềm hy vọng mình vào sự chiến thắng cuối cùng của Thiên Chúa.   
Bí Tích Thánh Thể là một lời nhắc nhớ với niềm xác tín rằng, Đức Kitô hiển trị ở đời này và cả đời sau.  Chúng ta tin tưởng ở Ngài.  Dù biết có những lúc chúng ta không thấy được rõ ràng lắm trong bóng tối của “đêm canh thức” cuộc đời, nhưng nếu chúng ta vẫn giữ vững niềm tin, một ngày kia chúng ta sẽ được đối diện với vinh quang Chúa (1 Thêxalônica 4: 13-18).


Một Niềm Hy Vọng Để Chia Sẻ

          Ở mức độ cá nhân, sự Phục Sinh của Đức Kitô đem đến cho mỗi người chúng ta, qua việc cử hành Phụng Vụ Thánh Thể, một niềm hạnh phúc trường tồn và một đời sống tràn đầy ơn sủng với Thiên Chúa không bao giờ kết thúc.  Nhưng lời hứa ban sự sống đời đời đó không chỉ là mầu nhiệm ở mức độ cá nhân.  Đó là cái gì tất cả chúng ta cùng mong chờ và hy vọng một ngày nào đó sẽ cùng được đồng hưởng với nhau.  Thần học gia Thomas Rausch, SJ, giải thích như sau: “Chúng ta không lên Thiên đàng một mình nhưng được người khác đồng hành với mình, đó là những người đã giúp hay đã hại chúng ta trong cuộc hành trình, đó là những cuộc đời đã đan móc vào cuộc đời của mình trong một mạng lưới không thể nào tách rời nhau được.”

          Sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô cũng ban tặng cho trái đất một món quà khác.  Bởi vì Đức Kitô đã phục sinh, chúng ta có thể vững tin rằng lời hứa về một “trời mới và đất mới” sẽ thành hiện thực (xem Khải Huyền 21: 1).  Khi chúng ta cầm trong tay “hoa mầu của ruộng đất” – bánh và rượu – với tất cả lòng kính trọng, chúng ta cùng hướng nhìn về viễn tượng trong tương lai, nơi Thiên Chúa sẽ canh tân cả mọi thụ tạo, thoát khỏi số phận sẽ bị lụn tàn, chết chóc và tiêu hủy.  Lời hứa này sẽ thành hiện thực, và mầu nhiệm Thánh Thể cho chúng ta nếm thử tương lai tuyệt diệu đó.


CÂU HỎI THẢO LUẬN


1.    Ý tưởng nào từ bài suy luận này làm bạn suy nghĩ nhiều nhất hay làm bạn ngạc nhiên nhất?
2.    Khi tham dự Thánh Lễ, bạn cảm thấy mình liên hệ với những người đã sống và chết trước mình như thế nào?  Ý thức liên hệ này ảnh hưởng đến việc bạn cử thành Thánh Lễ ra sao?
3.    Tại sao chúng ta phải bao gồm yếu tố toàn vũ trụ, toàn thiên nhiên và trái đất trong niềm hy vọng cuộc sống đời đời?  Mong đợi một “trời mới và đất mới” có ý nghĩa gì đối với bạn?
4.    Chương trình chia sẻ đức tin trong nhóm nhỏ này gần kết thúc, bạn có lời nguyện đặc biệt nào muốn chia sẻ cho những người trong nhóm không?


CÁC BÀI ĐỌC


Nghi thức Rước Lá
Matthêu 21: 1-11

Thánh Lễ
Isaia 50: 4-7
Thánh Vịnh 22
Philiphê 2: 6-11
Matthêu 26:14 – 27:66



Lời Nguyện Hiệp Lễ

Lạy Chúa, tại bàn tiệc Thánh Thể, Chúa đã cho chúng con được thỏa chí toại lòng.  Nhờ Con Một Chúa chịu khổ hình thập giá, Chúa làm cho chúng con tin tưởng vững vàng sẽ được ơn cứu độ, thì nhờ mầu nhiệm Người đã phục sinh, xin cho chúng con đạt tới quê trời như lòng hằng mong ước.  Người hằng sống và hiển trị muôn đời.  Amen.