Friday, February 28, 2014

Chúa Nhật Tuần I: ĐƯỢC TĂNG SỨC ĐỂ SỐNG ĐỜI ĐỨC TIN





Qua Phụng Vụ, chúng ta nhận được sức mạnh để sống như những Môn đệ Chúa Giêsu giữa trần gian.  Đây không phải là thứ sức mạnh để thống trị nhưng để yêu thương và phục vụ.  Khi chúng ta biết trân quý món quà này, chúng ta cũng trân quý nguồn gốc nảy sinh sức mạnh đó: Mầu Nhiệm Vượt Qua của Chúa Giêsu Kitô.




Lời Nguyện Nhập Lễ

Lạy Thiên Chúa quyền năng, hằng năm Chúa ban cho chúng con bốn mươi ngày Chay thánh để tôi luyện hồn xác chúng con.  Xin giúp chúng con sống những ngày khắc khổ ấy, để học biết Đức Kitô, và dõi theo gương Người, hầu xứng đáng hưởng ơn Người cứu độ.  Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.  Amen.

 CÂU HỎI MỞ ĐẦU

  1. Theo bạn, “mạnh mẽ trong đời sống tinh thần hay đời sống tâm linh” có nghĩa là gì?
  2. Hãy nhớ lại một sự kiện mà trong đó bạn thấy mình được tiếp sức nhờ vào tập thể hay cộng đoàn của bạn.  Những thành viên trong tập thể hay cộng đoàn đó đã làm gì để giúp bạn mạnh mẽ hơn?
  3. Quyền lực có thể được sử dụng đúng cách hay sử dụng cách sai lầm.  Đâu là kim chỉ nam giúp bạn sử dụng quyền lực của mình một cách khôn ngoan?

BÀI SUY NIỆM

Ở giữa đèo Columbia River tiểu bang Oregon, đứng sừng sững giữa rừng rậm là một thác nước vĩ đại, được xem là một trong những thác cao nhất và phải nói là đẹp nhất ở Hoa Kỳ.  Thác Multnomah đẹp như một dải thủy tinh trải dài xuống lớp đá bên dưới, với đỉnh cao nhất ở độ cao 542 feet, vách đổ xuống thoai thoải trong vòng 9 feet đến đỉnh thứ hai ở độ cao 69 feet.  Đứng trước kỳ quan thiên nhiên này, người ta không thể không bị hớp hồn bởi sức mạnh hùng vĩ của dòng nước.  Bạn hãy tưởng tượng xem, từ độ cao ngút trời cũa ngọn thác, dòng nước ào chảy xuống mạnh mẽ vô cùng, cùng một lúc lại rất uyển chuyển và có cái gì đó rất đài cát.


Hình ảnh thiên nhiên trong Phụng vụ

Để diễn tả những yếu tố chính của Phụng vụ, các giáo phụ của Công Đồng Vaticanô II đã dùng rất nhiều hình ảnh so sánh lấy từ thiên nhiên, chẳng hạn như câu trích nổi tiếng sau đây lấy từ Hiến Chương Phụng Vụ Thánh (Constitution on the Sacred Liturgy):  “Phụng vụ là chóp đỉnh (summit) hội tụ tất cả các hoạt động trong Giáo hội; cùng một lúc là nguồn phát xuất mọi sinh lực trong Giáo hội” (CSL, 10).
 
Cách cùng chữ “chóp đỉnh” làm chúng ta liên tưởng Phụng vụ như một đỉnh núi cao vút, diễn tả mức độ tối cao của một sự việc.  Phụng vụ thật mang giá trị và tầm vóc cao cả như vậy.  Con người được đứng trước mặt Thiên Chúa để cùng nhau thờ phượng Người trong Đức Kitô: đó không phải chỉ đơn thuần là một trong nhiều hoạt động của Giáo hội, mà phải nói là hoạt động tối quan trọng.  Thật vậy, con người được tạo dựng để ca tụng và vinh danh Thiên Chúa.  Khi Chúa Giêsu toàn hiến bản thân mình cho Thiên Chúa Cha, đó là việc thờ phượng hoàn hảo nhất; và khi chúng ta được tham dự vào việc thờ phượng hoàn hảo của Chúa Giêsu như vậy, chúng ta đang chu toàn ơn gọi thụ tạo của mình.  Tất cả các hoạt động khác trong Giáo hội đều hướng về việc thờ phượng này: việc loan truyền Tin Mừng, đời  sống cầu nguyện, việc lành bác ái, các nhân đức tin cậy mến.  Tất cả các hoạt động này giúp chúng ta bước vào việc thờ phượng một cách trọn vẹn nhất.

Vế thứ hai trong câu trích trên: “cùng một lúc là nguồn phát xuất mọi sinh lực trong Giáo hội” có ý nghĩa gì?  Xin lưu ý ở đây hình ảnh thiên nhiên được dùng đến: “nguồn nước, một hình ảnh rất sống động và phong phú.  Chắc hẳn đây không phải là hình ảnh của một dòng nước chảy róc rách, nhỏ giọt, cũng không phải như từ vòi nước uống ta vẫn thấy nơi công cộng, và cũng không thể là dòng nước đọng trong một cái hồ nước lặng nào đó.  Cách dùng từ, “nguồn phát xuất mọi sinh lực,” là để đề cập đến một dòng nước sống động: sôi sục nhưng sạch mát và tươi đẹp.  Nó cũng làm ta liên tưởng đến sự mạnh mẽ vô cùng của nguồn phát sinh dòng nước.  Phải mạnh mẽ lắm nên tất cả mọi sinh lực trong Giáo hội đều phát xuất từ nguồn này.  Nguồn này ắt hẳn phải là con nước đầu nguồn của một con sông vĩ đại, hay là mạch nước ngầm tạo nên dòng thác Multnomah oai hùng.


Luồng sức mạnh của Thiên Chúa vẫn chảy tới

            Có luồng sức mạnh nào xuất phát từ Phụng vụ?  Những người tham dự Phụng vụ có nhận được sức mạnh nào không?  Hay nói một cách khác, sau khi tham dự Phụng vụ xong, chúng ta có trở nên mạnh mẽ hơn không so với lúc trước?

            Trong thực tế, không mấy người nhận ra sức mạnh vĩ đại của một buổi Phụng vụ.  Đối với nhiều người, Phụng vụ chỉ là một buổi hội họp nhàm chán.  Có thể thỉnh thoảng họ cũng thốt lên, “Buổi lễ hôm nay thật ý nghĩa!”; nhưng có thể chỉ đơn thuần là buổi Phụng vụ đã đánh động họ ở một mức độ nào đó thôi; trong thực tế họ chẳng được thêm tí sức mạnh hay sinh lực nào trong cuộc sống của mình.

            Nhưng giả sử một trong những điều sau đây thực sự xảy ra trong khi cử hànhPhụng vụ: Tôi thấy niềm hy vọng mình tăng lên và ít để ý đến những thất vọng trong cuộc sống hơn; tôi cảm thấy rất vui sướng được sống trong cộng đoàn đức tin của mình; một ý tưởng đạo đức nào đó đánh động tôi làm tâm tư tôi rạo rực hăng say; những đam mê tội lỗi lúc trước có vẻ hấp dẫn giờ bỗng trở nên vô vị đối với tôi; trái tim tôi bỗng rung động và cảm thương sâu xa cho những người đang chịu đau khổ; tôi nhận được ơn là cảm nghiệm thấy lời mình cầu xin được Chúa nhậm lời.

            Chẳng phải đây là những dấu hiệu rõ ràng sức mạnh của Thiên Chúa đang hoạt động trong chúng ta đó sao?  Những diễn biến này, và còn nhiều diễn biến khác không thể liệt kê hết, thật chính là hoạt động của Chúa Thánh Thần trong khi Phụng vụ Thánh Thể đang diễn ra.  Đây là những món quà Chúa ban để thêm sức mạnh giúp chúng ta hành động.  Khi chúng ta đón nhận Lời Chúa và chia sẻ cùng một lễ hy sinh, cũng là bữa ăn thiêng liêng Thánh Thể, một luồng sống từ Thiên Chúa đang diễn ra bên trong mỗi người và dẫn chúng ta đến hành động.

            Giả như tôi nhận được một trong những ơn đó trong Phụng vụ, vậy điều gì sẽ xảy ra sau khi Phụng vụ kết thúc?  Có thể là những điều sau đây: Tôi sẽ đương đầu với những vấn đề của cuộc sống với sự tự tin mới và niềm hy vọng mới; tôi sẽ tham dự trong đời sống giáo xứ tôi một cách hăng say hơn và hữu hiệu hơn; tôi sẽ trở nên can đảm và quyết liệt hơn nữa trong đời sống rao truyền Phúc Âm; tội lỗi giảm sức quyến rũ đối với tôi và tôi như được tự do hơn để sống hữu ích và tích cực; tôi muốn sống trong sự thông cảm chia sẻ hơn là tranh đua dành giật; tôi cảm thấy hăng say hơn trong đời cầu nguyện.

            Có thể là trước đây tôi cũng lập những quyết định và hành động như vậy, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn cảm thấy như mình không đủ sức để theo đuổi đến cùng.  Có thể tôi đã từng cảm thấy đánh động trong tâm hồn, và muốn thực hiện một hai điều thánh thiện trên, nhưng vì lý do nào đó lại không thể nào thành công.  Có thể là tôi biết rõ mình cần phải làm gì và nên làm gì, nhưng không thể tìm ra năng lực hay sự trợ giúp để làm những điều đó.  Chỉ có sức mạnh được trao ban và đón nhận mới có thể làm cho ý tưởng trở thành hành động.

            Sức mạnh đó tuôn chảy từ việc cử hành Phụng vụ, và sức mạnh được tập trung trên một mục đích cụ thể.  Đó là sức mạnh giúp chúng ta sống đời Kitô Hữu xứng đáng.  Mặc dù sức mạnh này là huyền nhiệm, chúng ta biết được nguồn xuất phát của nó: cuộc khổ nạn, chết, và phục sinh của Đức Giêsu Kitô, và việc trao ban Thánh Thần của Ngài.  Sức mạnh Chúa Thánh Thần trong Đấng Kitô Phục Sinh giờ đây được trao ban cho chúng ta trong Thánh Lễ.  Các thượng phụ trong Công Đồng Vaticanô II viết, “Từ Phụng vụ, đặc biệt là Phụng Vụ Thánh Thể, như là một nguồn nước, dòng ơn thánh tuôn tràn trên chúng ta” (CSL, 10).


Con đường khiêm nhu

            Sức mạnh của Thiên Chúa trong các Phụng vụ không màu mè, không đến trong tiếng sấm rung chuyển hay ánh sáng chớp lòe trên bầu trời.  Sức mạnh đến từ Thiên Chúa đến trong sự đơn sơ, thẳng thắn và tự nhiên đến nỗi chúng ta nhiều khi không ngờ đó là hành động của Chúa.  Lý do là vì sức mạnh được trao ban qua Phụng vụ không phải để phô trương và biểu diễn.  Sức mạnh đó khiêm nhường.  Đó không phải là sức mạnh để thống trị, nhưng là sức mạnh của Thần Trí Thiên Chúa.  Đó là sức mạnh để sống đời Kitô Hữu: cao đẹp trong giá trị chân chính của nó, và là sức mạnh của đời sống thường ngày.  Thần Trí giúp chúng ta yêu và phục vụ rộng rãi hơn.  Thần Trí thêm sức cho chúng ta trong những bước đường đức tin.  Cũng có thể thỉnh thoảng sức mạnh từ Phụng vụ giúp ta bước những bước dài vĩ đại, nhưng đa phần thời gian chúng ta được tiếp sức để bước đi tới với những bước nhỏ trong đời sống thường nhật, dù là những bước nhỏ, nhưng luôn vững vàng hướng tới ánh sáng phục sinh của Đức Kitô.


Một cái nhìn rộng hơn

            Sự việc thật ra có vĩ đại như dòng thác oai hùng đó không?  Trong thực tế, dưới khả năng và tầm nhìn hạn hẹp trong giới hạn của chúng ta, những cảm nghiệm chúng ta có được trong cử hành Phụng vụ nhiều khi chẳng có gì đáng kể.  Nhưng chúng ta phải hiểu rằng, đó là vì chúng ta không thể nhận thức về chính mình giống như Chúa biết về mình: Chúa xem mỗi cá nhân như là một phần trong một tổng thể, và mỗi cá nhân được kêu gọi và được ban cho sức mạnh để trở nên Thân Thể của Đức Kitô cho thế giới.  Ngoài ra, chúng ta chỉ có thể cảm nhận được những thay đổi ở chính bản thân mình rất nhỏ và chỉ ở một thời điểm nhất định, trong khi Thiên Chúa nhìn đến toàn cuộc đời chúng ta như một tổng thể với những trách nhiệm và cơ hội đang chờ đợi trong tương lai.

            Hãy cùng nghiệm xem thí dụ sau đây.  Giả sử bạn có một khoảnh khắc “giác ngộ” trong Thánh Lễ: khi mọi sự và mọi hành động trong Thánh Lễ trở nên rõ ràng và sống động đối với bạn, khi bạn cảm nhận rõ rệt sự hiện diện của sức mạnh Chúa Thánh Thần, và từ đó thúc đẩy bạn đi đến một hành động tốt nào đó.  Hãy so sánh cảm nghiệm này như là một giọt nước nhỏ; sau đó, nhân cảm nghiệm này lên vài triệu lần.  Chúng ta biết có hơn 1 tỉ người Công Giáo trên thế giới, và mỗi ngày Thánh Lễ được cử hành trên toàn cầu.  Với cái nhìn tổng thể như vậy, bạn có thể phần nào tưởng tượng được sức mạnh vĩ đại nơi Bàn Tiệc Thánh Thể!

            Hay thử cảm nhận sức mạnh khiến bạn nảy sinh tâm tình thống hối hòa giải, tâm tình biết ơn, tâm tình tin tưởng phó thác hơn vào Chúa; và hãy liên tưởng những cảm nhận này giống như những vòi nước.  Qua những lỗ mở của vòi, dòng nước thánh ân của Thiên Chúa sẽ tuôn đổ dạt dào.  Mỗi điều tốt bạn làm sẽ được nhân lên rất nhiều và trải rộng, do chính bởi những người đã được thừa hưởng lòng tốt của bạn, khi họ đáp trả lòng tốt bằng những việc làm tốt cho người khác.

            Sự việc thật thật ra có vĩ đại như dòng thác oai hùng đó không?  Có thể chỉ có Chúa mới biết rõ mọi chiều kích của những kết quả.  Nhưng mỗi cảm nghiệm nho nhỏ tích lũy cả cuộc đời, những hồng ân nhỏ sẽ được góp lại thành một đời sống dồi dào trong ân sủng Chúa.


 CÂU HỎI SUY NIỆM

  1. Ý tưởng nào trong bài này đánh động bạn nhất?  Bạn đáp trả lại thế nào?
  2. Trong bài trên, có 2 loại ví dụ.  Loại thứ nhất: giả như những điều sau đây xảy ra trong khi cử hành Phụng vụ; Loại thứ hai: điều có thể xảy ra sau khi cử hành Phụng vụ kết thúc.  Bạn có cảm nghiệm cá nhân nào giống như các ví dụ này không?  Bạn có cảm nghiệm nào khác về việc tham dự Phụng vụ không?
  3. Quyền năng luôn đi đôi với trách nhiệm.  Có bao giờ bạn đã từng cảm thấy được đánh động mạnh mẽ trong Thánh Lễ, nhưng sau đó lại không hành động theo sự đánh động đó?  Lý do tại sao?  Sau đó bạn cảm thấy thế nào?  Bạn có rút ra bài học kinh nghiệm nào không?
  4. Thánh Kinh kể cho chúng ta nhiều câu chuyện trong đó Chúa gọi và ban sức mạnh cho những người khiêm nhu, thấp bé, những người không được thế gian này trân trọng lắm.  Điều này phản ảnh bản tính của Thiên Chúa như thế nào?  Điều này phản ảnh tính chất thật của Hội Thánh Chúa ra sao?

CÁC BÀI ĐỌC CHÚA NHẬT THỨ I MÙA CHAY


  • Sáng Thế 2:7 – 3:1-7
  • Thánh Vịnh 51
  • Roma 5: 12-19
  • Matthêu 4: 1-11


SUY NIỆM LECTIO DIVINA TRÊN ĐOẠN PHÚC ÂM (Mt 4: 1-11)


Lời Nguyện Hiệp Lễ

Lạy Chúa, Chúa đã thương lấy Bánh bởi trời mà nuôi dường chúng con, làm cho đức tin thêm mạnh mẽ, đức cậy được vững vàng, đức mến hằng tha thiết.  Xin dạy chúng con biết khao khát tìm kiếm Đức Kitô là Bánh trường sinh đích thực, và biết lấy lời Chúa làm lương thực hằng ngày.  Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.  Amen.