Sunday, April 6, 2014

Chúa Nhật Lễ Lá: NIỀM HY VỌNG ĐỜI SỐNG VĨNH CỮU NƠI ĐỨC KITÔ



Khi đến gần cao điểm của Năm Phụng Vụ, chúng ta được Phụng Vụ chuẩn bị cách sâu sắc để bước vào Mầu Nhiệm Vượt Qua của việc Chúa Kitô chịu chết và sống lại.  Đặc biệt, Thánh Lễ Vọng Phục Sinh tối Thứ Bảy Tuần Thánh cho chúng ta toàn cảnh của cuộc đời người Kitô Hữu, trong những mong chờ và hy vọng mỗi ngày.  Vậy mỗi Thánh Lễ mà chúng ta cử hành hằng tuần giúp chúng ta mừng mầu nhiệm Phục Sinh và sự sống đời đời như thế nào?



Lời Nguyện Nhập Lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã muốn cho Đấng cứu chuộc loài người phải sống kiếp phàm nhân và chịu khổ hình thập giá để nêu gương khiêm nhường cho thiên hạ noi theo.  Xin cho chúng con biết đón nhận bài học Người để lại trong cuộc thương khó, và được thông phần vinh quang phục sinh với Người.  Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn đời.





CÂU HỎI GỢI Ý


1.    Biến cố nào trong năm qua là quan trọng nhất đối với bạn (mất việc làm, lập gia đình, có con, người thân qua đời …?)  Bạn có thấy yếu tố “chết đi và sự sống mới” trong những biến cố đó không?  Chia sẻ cảm nghiệm của bạn.
2.    Trong Tam Nhật Vượt Qua năm nay – Thứ Năm, Thứ Sáu và Thứ Bảy Tuần Thánh – bạn muốn cầu nguyện cho điều gì hay cho ai?  Tại sao?
3.    Bạn đã từng tham dự Lễ Vọng Phục Sinh chưa?  Nếu chưa, lý do tại sao?  Nếu đã tham dự rồi, phần nào trong Thánh Lễ bạn thích nhất?


BÀI SUY NIỆM


          Trong năm, chu kỳ Phụng vụ trình bày cho chúng ta những câu chuyện về cuộc đời Đức Giêsu.  Chúng ta cùng tưởng niệm mầu nhiệm Đức Kitô đến sống giữa chúng ta như một con người, cuộc đời và sứ vụ của Ngài khi còn sống trên trần gian, cái chết và sự sống lại, và việc Chúa Thánh Thần ngự đến.  Khi chúng ta tưởng niệm Đức Giêsu một cách tích cực, dần dần cuộc đời của mỗi người chúng ta cũng đi sâu vào mầu nhiệm sự sống, sự chết và phục sinh của Ngài.  Câu chuyện cuộc đời của Ngài cũng dần trở thành câu chuyện cuộc đời của chính mỗi người chúng ta.  Những Môn đệ Ngài kêu gọi, hay Hội Thánh Ngài thiết lập không những chỉ hiện hữu cách đây vài ngàn năm ở một phương trời nào rất xa xôi, nhưng còn rất thật, rất sống động hôm nay và là một phần của cuộc đời chúng ta hôm nay.

          Mỗi năm chúng ta lại mừng các ngày lễ và mùa Phụng vụ theo chu kỳ.  Dù cùng là những ngày lễ và mùa lễ đó, nhưng chúng ta cử hành khác hơn năm trước một ít.  Mỗi năm, chúng ta đem vào việc cử hành phụng vụ thêm một ít kinh nghiệm sống, cùng đón mừng nhiều niềm vui mới, và cùng cố nguôi ngoai những nỗi đau buồn mới.  Mầu nhiệm của Đức Kitô sẽ gặp chúng ta ở những điểm gặp gỡ mới mỗi năm, và bước vào cuộc đời chúng ta một cách mới mẻ hơn năm trước. 


Cao Điểm Năm Phụng Vụ

          Giáo Hội chỉ cho chúng ta thấy cao điểm của một năm Phụng Vụ là Tam Nhật Phục Sinh: một mầu nhiệm thống nhất được trải ra trong ba ngày cử hành, mầu nhiệm Đức Kitô chịu chết và sống lại.  Ba ngày cực thánh đó là Thứ Năm Tuần Thánh, Thứ Sáu Tuần Thánh và Phục Sinh (gồm ngày Lễ Vọng tối Thứ Bảy).
          “Tam Nhật Phục Sinh bắt đầu từ Thánh lễ tối Thứ Năm tưởng niệm buổi tiệc ly, đạt tới cao trào tại Thánh lễ Vọng Phục Sinh, và kết thúc bằng Giờ Kinh Phụng Vụ chiều Chúa Nhật Phục Sinh” (General Norms of the Liturgical Year and the Calendar, 19).  Các Thánh Lễ Chúa Nhật Phục Sinh vang vọng lại sự vui mừng hoan hỷ của việc Phục Sinh Đức Kitô, nhưng Thánh Lễ Vọng Phục Sinh (tối Thứ Bảy), cũng là Thánh Lễ Phục Sinh đầu tiên, mới là cao điểm của Tam Nhật.


Tại sao có Lễ Vọng? 

          Tại sao Giáo hội ấn định cao cao điểm của Tam Nhật Thánh là đêm Vọng Phục Sinh thay vì các Thánh Lễ trong ngày Chúa Nhật Phục Sinh? 

          Thánh Lễ Vọng Phục Sinh quả thật là một nghi thức huy hoàng vô cùng.  Ngọn lửa mới thắp lên những ngọn nến giữa bóng đen đêm tối, nhiều bài đọc trong Phụng vụ Lời Chúa, lời kinh Alleluia được vang lên sau một thời gian dài vắng tiếng, Phúc Âm của câu chuyện Phục Sinh, việc cử hành Bí Tích Rửa Tội và Thêm Sức, và mọi người lập lại lời tuyên xưng đức tin lúc rửa tội – tất cả để dẫn đến cử hành Phụng vụ Thánh Thể - tất cả đánh động một cách sâu xa đến tất cả các gian quan con người của chúng ta.  Tuy nhiên, đêm Vọng Phục Sinh còn có ý nghĩa sâu xa hơn cả những nghi thức huy hoàng đó.

          Các nghi thức Vọng Phục Sinh có từ thời sơ khai của Giáo hội.  Nó là nghi thức cổ xưa nhất trong các nghi thức Phụng vụ trong một năm.  Ban đầu, nghi thức Vọng Phục Sinh này là cử hành mừng lễ Phục Sinh duy nhất.  Dù những chứng cứ lịch sử cho rằng những nghi thức này hình thành từ thế kỷ thứ hai, thật ra nó có nguồn gốc còn xưa hơn nữa.  Mãi đến thế kỷ thứ năm, Giáo hội mới tăng thêm những Thánh Lễ trong ngày Chúa Nhật Phục Sinh để có thể đáp ứng nhu cầu con số giáo dân tham dự quá đông.

          Ý nghĩa sâu xa của các nghi thức Phụng vụ đêm Vọng Phục Sinh là chính ở tính chất “vọng đợi,” tính chất canh thức,” thời gian mong chờ Đấng Kitô Phục Sinh đến với chúng ta và dẫn chúng ta vào ánh sáng mới và cuộc sống vĩnh cữu.  Thánh Augustine diễn tả ý nghĩa này thật sắc xảo: Trong đêm Vọng Phục Sinh, các tín hữu không phải mong chờ Chúa sống lại từ cõi chết, tưởng như xác Ngài vẫn còn nằm trong mồ.  Hành động canh thức thật ra là tượng trưng của cả cuộc đời đức tin chúng ta.  Bài suy niệm Tin Mừng sau đây lưu lại từ thời xưa nói lên ý nghĩa của đêm Canh Thức: “Việc chúng ta mừng lễ mỗi năm không chỉ đơn thuần là tưởng nhớ lại một sự kiện của dĩ vãng; nó thúc đẩy sự tham gia tích cực của chúng ta ở hiện tại; chúng ta tham gia bằng đời sống đức tin của mình, và đó là những gì việc mừng lễ đêm Vọng Phục Sinh tượng trưng.  Cả cuộc đời chúng ta giống như một đêm dài chờ đợi trong bóng tối, trong suốt thời gian chờ đợi đó, Giáo hội vẫn không ngừng canh thức, mong đợi sự trở lại của Thiên Chúa như đã hứa. 


Lễ Mừng Chiến Thắng 

          Trong lịch sử Giáo hội xa xưa, việc canh thức mong chờ sự trở lại của Thiên Chúa  quan trọng vô cùng, nhất là thời Giáo hội sơ khai.  Thật ra hôm nay, chúng ta vẫn còn đang cầu nguyện mong đợi ngày trở lại của Đức Kitô như vậy mỗi khi chúng ta cử hành Phụng Vụ Thánh Thể.
          Chúng ta nghe lời nhắc nhớ này trong Thánh Lễ, ở nghi thức Rước Lễ, sau khi đọc kinh Lạy Cha, vị chủ tế đọc: “đang khi chúng con mong đợi niềm hy vọng hồng phúc, và ngày trở lại của Đức Kitô, Chúa chúng con.”  Chúng ta cũng được nhắc nhớ đến vinh quang Đức Kitô khi đọc kinh “Lạy Chiên Thiên Chúa, xin thương xót chúng con,” và khi vị chủ tế nhắc nhở: “phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa.”  Đây là những lời của thánh Gioan, tác giả sách Khải Huyền.  Những lời này giúp chúng ta nhớ đến thị kiến về Chiên Con toàn thắng đang ngự trên ngai uy linh.  Chúng ta được mời gọi tham dự vào vinh quang chiến thắng của Ngài như đã được viết trong sách Khải Huyền: “Và thiên thần nói với tôi: ‘Hãy viết xuống: phúc cho ai được mời đến dự tiệc của Chiên Thiên Chúa” (Khải Huyền 19: 9). 

          Có thể chúng ta đã nghe những lời này quá nhiều lần, nhưng chúng ta có hiểu ý nghĩa của nó chăng?  Ý nghĩa thần học ở đây rất sâu sắc, một thần học của sự phục sinh của hy vọng và là lời hứa cho cả thế giới, thần học của đời sống vĩnh cữu.  Bữa tiệc Thánh Thể chỉ là dạo màn, một dấu chỉ và sự chuẩn bị cho bữa tiệc vĩ đại huy hoàng trên Thiên đàng, và chiến thắng vinh quang của Đức Kitô trên tội lỗi và sự chết.  Khi chia sẻ cùng một tấm bánh, chúng ta như nói lên rằng chúng tôi đặt niềm hy vọng mình vào sự chiến thắng cuối cùng của Thiên Chúa.   
Bí Tích Thánh Thể là một lời nhắc nhớ với niềm xác tín rằng, Đức Kitô hiển trị ở đời này và cả đời sau.  Chúng ta tin tưởng ở Ngài.  Dù biết có những lúc chúng ta không thấy được rõ ràng lắm trong bóng tối của “đêm canh thức” cuộc đời, nhưng nếu chúng ta vẫn giữ vững niềm tin, một ngày kia chúng ta sẽ được đối diện với vinh quang Chúa (1 Thêxalônica 4: 13-18).


Một Niềm Hy Vọng Để Chia Sẻ

          Ở mức độ cá nhân, sự Phục Sinh của Đức Kitô đem đến cho mỗi người chúng ta, qua việc cử hành Phụng Vụ Thánh Thể, một niềm hạnh phúc trường tồn và một đời sống tràn đầy ơn sủng với Thiên Chúa không bao giờ kết thúc.  Nhưng lời hứa ban sự sống đời đời đó không chỉ là mầu nhiệm ở mức độ cá nhân.  Đó là cái gì tất cả chúng ta cùng mong chờ và hy vọng một ngày nào đó sẽ cùng được đồng hưởng với nhau.  Thần học gia Thomas Rausch, SJ, giải thích như sau: “Chúng ta không lên Thiên đàng một mình nhưng được người khác đồng hành với mình, đó là những người đã giúp hay đã hại chúng ta trong cuộc hành trình, đó là những cuộc đời đã đan móc vào cuộc đời của mình trong một mạng lưới không thể nào tách rời nhau được.”

          Sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô cũng ban tặng cho trái đất một món quà khác.  Bởi vì Đức Kitô đã phục sinh, chúng ta có thể vững tin rằng lời hứa về một “trời mới và đất mới” sẽ thành hiện thực (xem Khải Huyền 21: 1).  Khi chúng ta cầm trong tay “hoa mầu của ruộng đất” – bánh và rượu – với tất cả lòng kính trọng, chúng ta cùng hướng nhìn về viễn tượng trong tương lai, nơi Thiên Chúa sẽ canh tân cả mọi thụ tạo, thoát khỏi số phận sẽ bị lụn tàn, chết chóc và tiêu hủy.  Lời hứa này sẽ thành hiện thực, và mầu nhiệm Thánh Thể cho chúng ta nếm thử tương lai tuyệt diệu đó.


CÂU HỎI THẢO LUẬN


1.    Ý tưởng nào từ bài suy luận này làm bạn suy nghĩ nhiều nhất hay làm bạn ngạc nhiên nhất?
2.    Khi tham dự Thánh Lễ, bạn cảm thấy mình liên hệ với những người đã sống và chết trước mình như thế nào?  Ý thức liên hệ này ảnh hưởng đến việc bạn cử thành Thánh Lễ ra sao?
3.    Tại sao chúng ta phải bao gồm yếu tố toàn vũ trụ, toàn thiên nhiên và trái đất trong niềm hy vọng cuộc sống đời đời?  Mong đợi một “trời mới và đất mới” có ý nghĩa gì đối với bạn?
4.    Chương trình chia sẻ đức tin trong nhóm nhỏ này gần kết thúc, bạn có lời nguyện đặc biệt nào muốn chia sẻ cho những người trong nhóm không?


CÁC BÀI ĐỌC


Nghi thức Rước Lá
Matthêu 21: 1-11

Thánh Lễ
Isaia 50: 4-7
Thánh Vịnh 22
Philiphê 2: 6-11
Matthêu 26:14 – 27:66



Lời Nguyện Hiệp Lễ

Lạy Chúa, tại bàn tiệc Thánh Thể, Chúa đã cho chúng con được thỏa chí toại lòng.  Nhờ Con Một Chúa chịu khổ hình thập giá, Chúa làm cho chúng con tin tưởng vững vàng sẽ được ơn cứu độ, thì nhờ mầu nhiệm Người đã phục sinh, xin cho chúng con đạt tới quê trời như lòng hằng mong ước.  Người hằng sống và hiển trị muôn đời.  Amen.


Sunday, March 30, 2014

Tuần 5: ĐƯỢC KÊU GỌI TRỞ THÀNH MỘT "KITÔ" CHO THỂ GIỚI




Công cuộc xây dựng một nền văn minh tình thương, một xã hội công bình có một mối liên hệ mật thiết với đời sống của Cộng đồng Thánh Thể.  Thánh Thể mời gọi chúng ta lên đường và chu toàn ơn gọi kiện toàn xã hội và giáo hội trong đời sống hằng ngày.  Nhưng làm sao chúng ta có thể đáp lại sứ mạng cao cả đó?




CÂU HỎI GỢI Ý

  1. Mỗi người liên kết với mọi người trong xã hội qua những mối liên hệ khác nhau.  Hãy vẽ xuống một sơ đồ những mối tương quan giữa bạn và những người khác trong cuộc đời bạn: gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, v.v…  Chia sẻ với nhóm sơ đồ này.  Bạn học hỏi được điều gì qua việc vẽ sơ đồ này?
  2. Nhớ lại một kinh nghiệm bạn giúp đỡ một người lạ.  Cảm nghiệm này như thế nào?  Chia sẻ với nhóm.

BÀI SUY NIỆM

           “Một người kia từ Giêrusalem xuống Giêricô và đã sa vào ổ cướp, chúng lột hết áo xống và đánh nhừ tử người ấy, đoạn bỏ mặc người ấy nữa sống nữa chết mà đi mất.  Tình cờ, một tư tế nọ cũng xuống theo con đường ấy, nhưng thấy người kia, ông tránh một bên mà đi qua.  Cũng vậy, một thầy Lêvi đến nơi, thấy thế cũng tránh một bên mà đi qua.  Một người Samari nọ, nhân đi qua đường cũng đến nơi ấy, thấy thế thì chạnh lòng thương” (Luca 10: 30-33).  Dụ ngôn người Samari nhân hậu, một trong những câu chuyện tuyệt vời và nổi tiếng của Tân Ước đã làm hồi sinh nhiều con tim nguội lạnh.  Đáp trả lời mời gọi bằng những việc làm bác ái cụ thể sẽ là cách chúng ta chu toàn giới răn yêu thương.


Trong thế giới hôm nay, những vấn nạn xã hội ngày càng sâu rộng và phức tạp, chẳng hạn như vấn nạn nghèo đói, bóc lột, khủng bố, chiến tranh.  Nhưng hậu quả của những vấn nạn này cũng hiển nhiên như hậu quả đau khổ mà người xấu số bị cướp trong câu chuyện dụ ngôn trên: bị cướp đoạt, bị lột trần, bị đáp đập, bị bỏ rơi dở sống dở chết bên lề đường.  Giáo hội chúng ta có thể nào thờ ơ đứng nhìn những nạn nhân trong đời sống hiện đại, những người mang bị thương tích và đang quằn quại ngay trước mắt mình?  Đức tin của chúng ta có câu trả lời rất rõ rằng: chúng ta không thể thờ ơ được.

Theo chân Đức Kitô đòi hỏi sự nhập cuộc, đòi hỏi chúng ta bước vào cuộc đời của người khác và đáp lại những nhu cầu của họ bằng sự tận tâm giúp đỡ của mình.  Lời của các nghị phụ trong Công Đồng Vaticanô II vẫn vang rõ: “Niềm hân hoan và hy vọng, sự than khóc và lo lắng của nhân loại thời đại chúng ta đang sống, đặc biệt là của những ai đang chịu đau khổ, phải là niềm hân hoan và hy vọng, cũng như là sự than khóc và lo lắng của những người theo Đức Kitô” (Pastoral Constitution on the Church in the Modern World, 1).

Cố gắng xây dựng một nền văn mình tình thương, một xã hội công bình được gọi là sứ mạnh phục vụ xã hội của Hội Thánh.  Sứ mạng này đến từ đòi hỏi phải đáp ứng lại nhu cầu của con người, và tôn trọng phẩm giá của mọi người do đã được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa.  Sứ mạng này cũng đến từ giới răn yêu thương Chúa Giêsu ban cho chúng ta.

 

Ai sẽ đáp lời?

Ai sẽ là người có trách nhiệm đối với sứ mạng phục vụ xã hội của Hội Thánh?  Những cơ quan phục vụ xã hội và những tổ chức này kia có vai trò rất quan trọng.  Nhưng món quà Đức Kitô, món quà đã nuôi sống chúng ta qua Nhiệm tích Thánh Thể không cho phép chúng ta thờ ơ trước những đói khổ và những thiếu thốn đè nặng trên anh em đồng loại.  Một người đi đường bị đánh đập, bị cướp bóc và bỏ rơi bên đường chờ chết, anh ta được một người biết lưu tâm cứu vớt, một người Samari như trong câu chuyện dụ ngôn của Chúa Giêsu.  Tin Mừng cũng mời gọi chúng ta đáp lời mời gọi sống như người Samari nhân hậu đó.

Trong Tông thư Mục vụ, The Sacrament of Charity, Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI đã lên tiếng kêu gọi giáo dân hành động dựa trên nền tảng của Nhiệm tích Thánh Thể.  Ngài nói: “Khi cử hành nhiệm tích Thánh Thể, các cộng đoàn dân Chúa phải nhận thức rõ hơn rằng hiến tế của Đức Kitô là cho tất cả mọi người, và Thánh Thể thúc đẩy chúng ta, những người tin Chúa, cũng trở thành bánh “bẻ ra” và trao ban cho người khác …” (88).  Nhiệm tích Thánh Thể và sứ mạng phục vụ xã hội có một sự liên hệ rất mật thiết với nhau.

Ai sẽ đáp lời?  Ai sẽ là người đáp ứng lại nhu cầu của thế giới?  Đức Thánh Cha Bênêđitô cũng đã từng nói: “Khi tưởng nhớ sự kiện Chúa hóa bánh và cá ra nhiều, chúng ta phải nhận ra rằng Đức Kitô vẫn đang tiếp tục kêu gọi các môn đệ Ngài hôm nay lăn xả vào đời: ‘Chính anh em hãy cho họ ăn’ (Matthêu 14:16)” (88).  Lòng yêu thương Thiên Chúa sẽ dùng chính những đóng góp nhỏ bẻ của chúng ta.  Qua quyền năng của Đức Kitô, những đóng góp đó sẽ được nhân rộng lên, và chúng ta sẽ thấy được sự kỳ diệu việc Chúa làm.  Nhưng trước tiên chúng ta cần phải đóng góp sức mình.

Mẹ Têrêsa Calcutta diễn tả: mầu nhiệm tình yêu của Đức Kitô trong Bí Tích Thánh Thể luôn luôn bao gồm lời kêu gọi phục vụ.  “Nơi chính mỗi cuộc đời chúng ta, Đức Giêsu đến như Bánh Sự Sống, để được chúng ta ăn và tiêu thụ.  Tình Ngài yêu chúng ta vĩ đại như vậy đó.  Và Đức Giêsu cũng đến trong nhân loại như một người đói khổ, người khác với mình, với hy vọng cũng sẽ được cho ăn bằng lương thực của chính cuộc đời chúng ta, trái tim chúng ta qua tình yêu và qua bàn tay phục vụ.”

 

Những Thách Đố Lương Tâm

Trong bài viết, The Sacrament of Charity, Đức Thánh Cha Bênêđitô đã nhấn mạnh đến vài một vài vấn nạn xã hội ngày nay, vẫn đang kêu gào sự công bằng và giải thoát.  Đây là những vấn đề toàn cầu, nhưng chúng ta cũng sẽ thấy nó tồn tại ở tầm mức địa phương chúng ta nữa. 


Những người bị lưu lạc
  
        Ngài nói về những người bị lưu lạc và di dân đang sống trong những tình cảnh bi đát khốn cùng.  “Chẳng phải những con người này là anh chị em của chúng ta đó sao?” Ngài đặt câu hỏi, “Chẳng phải con cái của họ sinh ra đời cũng với mong ước được sống hạnh phúc như bất cứ trẻ em nào khác sao?” (90).

          Ở tầm mức địa phương, có thể chúng ta tự vấn mình: Bí tích Thánh Thể đã hình thành thái độ nào của chúng ta đối với những người tị nạn và di dân đang tìm đến vùng đất chúng ta sinh sống?  Bí tích Thánh Thể đã ảnh hưởng thế nào trên thái độ và quyết tâm của chúng ta đối với những người thất nghiệp hay vô gia cư ở thành phố chúng ta cư ngụ?


Sự phân cách giữa giàu và nghèo

          Đức Thánh Cha Bênêđitô cũng chỉ ra rằng hố ngăn cách giữa người giàu và người nghèo ngày càng sâu rộng.  Những vụ bất công tai tiếng, những tham nhũng và nghèo đói “đã thấu đến tai Chúa các đạo binh” (theo thư Giacôbê 5:4).  Đức Thánh Cha nhận xét rằng, nếu một nữa ngân sách chính trị khổng lồ được dùng để giúp những người nghèo đói nhất, họ có thể đã được cứu ra khỏi tình trạng khốn cùng rồi (90).  Với danh hiệu “lương thực sự thật” của Bí tích Thánh Thể, Đức Thánh Cha kêu gọi sự can đảm “từ chối những tình trạng thiếu nhân đạo” trên thế giới (90).

          Ở tầm mức địa phương, có thể chúng ta cũng bắt gặp những tình trạng thiếu nhân đạo này.  Hố ngăn cách giữa giàu và nghèo cũng đang tồn tại trên đất nước Hoa Kỳ của chúng ta.  Theo đuổi sự sung túc có làm mất đi những giá trị sống của chúng ta?  Làm cách nào để có thể đầu tư vào một nền luật pháp có thể thật sự đem lại hòa bình?

          Peter Maurin, một trong những người đồng sáng lập phong trào Người Lao Động Công Giáo (Catholic Worker Movement) năm 1933 đã từng rao giảng trên các đường phố.  Bài giảng thuyết của ông có cách chơi chữ độc đáo, đề cập đến cái đối lập giữa việc theo đuổi đời sống sung túc và theo đuổi đời sống nhân đức.  “The world would be better off / if people tried to become better./  And people would become better / if they stopped trying to become / better off./  For when everyone tries to / become better off,/ nobody is better off./  But when everybody tries to / become better, everyone is better off …”  (Bản dịch tiếng Việt không thể diễn tả được cách chơi chữ của tác giả.  Ý nghĩa của câu nói là: Thế giới sẽ tốt đẹp hơn nếu con người cố gắng trở nên tốt lành hơn.  Và con người sẽ trở nên tốt lành hơn nếu họ ngừng theo đuổi đời sống sung túc hơn.  Bởi vì khi mọi người cố gắng sống sung túc hơn thì chẳng ai sống tốt hơn cả.  Nhưng nếu ai cũng cố gắng sống tốt hơn thì mọi người đều trở thành tốt lành hơn …).


Trái đất ta đang sống

          Sau cùng, Đức Thánh Cha đề cập đến vấn đề môi sinh.  Ngài giải thích rằng Bí tích Thánh Thể cho chúng ta một giác quan “bí tích” (sacramental perspective) đối với tất cả thụ tạo, chỉ ra cho chúng ta thấy những món quà Chúa ban tặng và trách nhiệm của chúng ta đối với chúng.  “Thế giới này không phải là một thứ vật chất không có phản ứng mà ta đơn giản muốn dùng sao thì dùng.  Thật ra, nó là một phần trong chương trình của Thiên Chúa …” đáng được chúng ta chăm sóc và bảo vệ (92).  Đức Thánh Cha nói thêm rằng sự tôn trọng đối với thụ tạo được diễn tả trong Thánh Lễ khi vị chủ tế dâng lời nguyện trên bánh và rượu như là sản phẩm từ trái đất này, “hoa màu của ruộng đất,” “sản phẩm từ cây nho,” “lao công của con người.”

          Đương nhiên ở tầm mức địa phương có nhiều cách sử dụng thụ tạo của Chúa một cách có trách nhiệm, tôn trọng mạng lưới phức tạp nối kết sự sống muôn loài.  Đối với sự thống nhất trong chương trình tạo dựng của Thiên Chúa và bàn tay của Ngài trong thiên nhiên, sự kính trọng của chúng ta sẽ đem đến việc bảo tồn thiên nhiên và môi trường cách hiệu quả.

 

Một Cái Nhìn Hợp Nhất

Sự sống con người theo cái nhìn Công Giáo mang tính chất hợp nhất giữa mến Chúa và yêu người.  Gia đình, cộng đoàn và xã hội không tồn tại cách riêng rẽ, nhưng tất cả đều thuộc về cùng một mạng lưới của những mối tương quan.  Nhiệm tích Thánh Thể nuôi dưỡng lòng biết ơn của tín hữu đối với những mối tương quan này mà chúng ta được thừa hưởng.  Nhiệm tích Thánh Thể cũng quy tụ mọi người lại với nhau, và gởi họ lên đường để sống như Thân Thể Đức Kitô giữa lòng thế giới.

            Chén thánh chứa đựng Máu Châu Báu Đức Kitô vô cùng quan trọng trong cái nhìn hợp nhất này.  Linh mục Barry Fischer, SPPS, đã phát biểu tại Công nghị về Thánh Thể như sau: “Sự hiệp nhất đạt được nơi Máu Thánh của sự giao hòa Đức Kitô ban cho chúng ta sức mạnh để trở thành người thợ xây những chiếc cầu nối kết, thành người loan báo sự thật, thành người chữa lành những vết thương …Giống như chén lễ sống động mang Máu Đức Kitô, chúng ta như dầu thánh chữa lành những người mang vết thương của sự đói nghèo, những  ai bị bỏ mặc dở sống dở chết bên lề cuộc đời, những người bị đè bẹp và thương tích bởi sự kỳ thị, đối xử phân biệt và của chiến tranh.”  Cùng chia một chén thánh có ý nghĩa tượng trưng mạnh mẽ cho một sự thật rằng chúng ta cùng chia sẻ một sự sống.  Nó cũng hướng chúng ta đến một sứ mạng chung là mang tình yêu thương chữa lành của Đức Kitô đến cho mọi người.




CÂU HỎI THẢO LUẬN



1. Trong bài chia sẻ này, điểm nào xác nhận những quan niệm bạn trước giờ vẫn có?  Điểm nào thách đố tư tưởng của bạn?  Đáp trả của bạn ra sao?

2. Vấn nạn xã hội nào hiện nay làm bạn lưu tâm nhất?  Bạn có muốn thêm vấn nạn nào khác trong danh sách mà Đức Thánh Cha Bênêđitô nêu lên?

3. Sau khi suy niệm về những mối tương qua trong xã hội dưới ánh sáng Nhiệm tích Thánh Thể, bạn có thay đổi hay điều chỉnh nào không trên sơ đồ những mối tương quan bạn đã vẽ lúc đầu buổi họp hôm nay?

4. Bạn tìm hy vọng và nghị lực ở đâu để hoàn thành sứ mạng phục vụ xã hội của một người Công Giáo?



CÁC BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

Êzêkien 37: 12-14
Thánh Vịnh 130
Roma 8: 8-11
Gioan 11: 1-45

 

Monday, March 24, 2014

Chúa Nhật Tuần IV: TIN MỪNG TRỌNG ĐẠI CHO THẾ GIỚI

Làm cách nào để chia sẻ với người khác về một tin vui trọng đại nhất thế giới?  Ngôn ngữ nào có thể diễn tả được món quà tuyệt vời mà chúng ta đã được đón nhận, món quà đức tin nơi Đức Kitô?

CÂU HỎI GỞI Ý

  1. Thường bạn có cảm giác gì mỗi khi nghĩ đến việc phải chia sẻ với người khác về Đức Giêsu hay chia sẻ về đức tin Công Giáo của bạn?
  2. Trong kinh nghiệm cá nhân, đâu là một vài trở ngại trong việc chia sẻ đức tin?
  3. Trường hợp nào thường làm cho người ta cởi mở và sẵn sàng đón nhận Tin Mừng hơn?  Cho vài ví dụ.




Lời Nguyện Nhập Lễ

Lạy Chúa, Chúa đã sai Con Một giáng trần để thực hiện công trình kỳ diệu là cho loài người được hòa giải với Chúa.  Xin ban cho toàn thể dân Chúa khắp hoàn cầu được lòng tin sống động để hăm hở đón mừng lễ Vượt Qua sắp tới.  Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.  Amen.



BÀI SUY NIỆM

“Này, muốn xem hình cháu tôi không?”  Ai ai cũng biết bà cụ vừa có cháu nội.  Không cần biết trên thế gian này có bao nhiêu đứa nhỏ ra đời và dễ thương bao nhiêu, đối với bà, cháu bà là cục vàng cục cưng và là đứa nhỏ dễ thương nhất trên thế giới.  Chỉ cần ai hỏi đến cháu là mắt bà sáng lên và bắt đầu hăng say kể về nó.  Và những người nghe cũng cảm thấy vui lây.  Họ cũng cảm thấy được sự kỳ diệu của sự sống bắt đầu ở một trẻ sơ sinh.  Cái cảm giác giống như một ánh sáng mới bừng lên trong lòng mỗi người.  Khi nghe bà kể chuyện về cháu của mình, người nghe cũng liên tưởng đến những đứa con đứa cháu của họ, ngay cả những đứa hiện giờ chưa được sinh ra.


Tin Mừng Đức Giêsu

Chia sẻ tin vui mừng về ơn cứu độ của Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô cũng là một hiện tượng tự nhiên như việc bà cụ chia sẻ với người khác tin vui về đứa cháu của bà, hoặc chia sẻ bất cứ món quà quý báu nào khác.  Mức độ hân hoan vui mừng cũng tương tự như vậy.  Đức tin là một tin vui đáng làm ta hoan hỷ và có một ý nghĩa sâu sắc vô cùng.  Khi một người nói với người khác về những cảm nghiệm phong phú của mình với  tất cả cảm xúc hân hoan vui mừng, sự chia sẻ có hiệu quả như một luồn điện chuyền qua cho người nghe khiến họ đáp trả ngay.  Họ nghe về tin vui đó và họ cảm được sự tốt đẹp của nó.  Và có người sẽ liên tưởng cảm nghiệm đó vào cuộc sống của riêng họ.

Riêng đối với việc chia sẻ Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô, cần phải tiến xa thêm một bước nữa.  Người nghe Tin Mừng được thôi thúc hành động.  Tin Mừng được công bố đòi hỏi phải có một sự đáp trả chứ không phải nghe cách thụ động.  Mỗi khi một người được Tin Mừng Đức Kitô đánh động, chúng ta có thể chắc chắn sẽ có một hành động cụ thể nào đi theo.


Chia sẻ câu chuyện cuộc đời mình

Jason là người khá trầm tính.  Anh ít khi tỏ lộ cảm xúc ra ngoài.  Nhưng mọi người xung quanh ai cũng thấy có một cái gì đó khác lạ nơi anh thời gian gần đây, sự thay đổi có chiều hướng tích cực.  Anh có vẻ hạnh phúc hơn và bình an hơn.  Cuối cùng thì người ta cũng khám phá ra là Jason quyết định gia nhập đạo Công Giáo.  Có người tò mò hỏi anh, “Có phải Beth, vợ sắp cưới, là nguyên nhân dẫn đến quyết định này?”  Jason giải thích, “Mới đầu thì đúng là Beth muốn tôi theo đạo, nhưng càng ngày tôi càng cảm thấy bị cuốn hút vào đời sống đức tin.  Giống như một điều tốt đẹp nhất đang xảy đến với cuộc đời tôi.  Tôi không thể giải thích được …”

Dù cho Jason không thể giải thích mạch lạc được, bạn bè của anh vẫn rất lấy làm thú vị vì họ quý anh.  Họ hỏi Jason nhiều câu hỏi và anh bắt đầu kể cho họ về đời mình.  Có ít nhất là một người trong số người người nghe chuyện của anh cảm thấy được đánh động.  Sau bữa ăn, trên đường trở lại văn phòng chỗ làm, anh ta hỏi Jason, “Thế các buổi họp mặt Thứ Ba hàng tuần mà anh tham dự, ai đến cũng được à?”  Rõ ràng là câu chuyện của Jason cuốn hút anh.  Qua việc chia sẻ câu chuyện đời mình, Jason đã khêu dậy một sự đáp trả.  Đây khoảnh khắc chào đón và mời gọi đã đến.

Giả như Jason đáp lời bằng sự nghi ngại (“Anh hỏi làm gì?”) hay là không khuyến khích người bạn mình đến (“Tôi nghĩ là anh không nên đến”), cơ hội quý báu có thể qua đi.  Nhưng không, Jason đã mỉm cười và nói, “Vâng, chào mừng anh đến.  Có cần tôi chở anh đến không?”

Jason vẫn không nghĩ mình là người rao giảng Tin Mừng.  Anh là người rụt rè, không có tài ăn nói, và vẫn còn  đang trong giai đoạn học hỏi về đạo.  Nhưng quả thật anh đã là một chứng nhân rất hiệu quả.


Lắng nghe và Đáp trả

Thu lắng nghe người hàng xóm tên Xuân mới dọn về khu này vài tháng nay.  Xuân kể lể về sự khác biệt của cuộc sống ngoại ô so với chỗ cô sống lúc trước.  Thu nhận ra là Xuân đang thấy cô đơn.  Thu hiểu lắm vì khi mới dọn về đây cách đây năm năm, cô cũng cảm thấy cô đơn như vậy.  Thông cảm cho cảnh tình của Xuân, Thu chia sẻ trải nghiệm của mình.  Trong kinh nghiệm của Thu, yếu tố quyết định chính là việc tham gia những hoạt động của Giáo xứ Thánh Phanxicô.  Những giáo dân ở đó rất thân thiện và tạo cho cô cảm giác tự nhiên và như được tiếp đón nồng nhiệt.  “Thật vậy à?” Xuân nói tiếp, “tôi được rửa tội Công Giáo từ nhỏ, nhưng đã lâu rồi tôi không đi nhà thờ nữa, từ ngày tôi ly dị chồng.  Tôi chỉ ngại là cộng đồng người Công Giáo không đón nhận và không thân thiện với tôi.”  Thu trả lời ngay, “Không có đâu chị.  Hay là vầy đi, tôi có tổ chức một nhóm cầu nguyện ở nhà tôi vào Thứ Tư tuần tới.  Chị đến đi rồi tôi sẽ giới thiệu chị cho họ.  Bảo đảm chị sẽ thấy ngạc nhiên về sự niềm nở của họ đối với chị.”

Sự thông cảm của Thu đã mở cánh cửa tâm hồn của Xuân.  Đối với cộng đồng của Thu, đức tin và cầu nguyện đóng vai trò cốt lõi, và Thu sẵn sàng chia sẻ Tin Mừng với người xung quanh khi điều kiện cho phép.  Thu không ngần ngại kể về cảm nghiệm bản thân, và mời Xuân cùng “đến mà xem.”  Thu không bao giờ nghĩ mình là người rao giảng Tin Mừng.  Nhưng thật ra, Thu đã làm chứng cho Đức Giêsu, và làm chứng cho mọi người biết phải làm gì để có thể xứng đáng thuộc về một cộng đoàn đức tin.

Và Thu thấy kết quả nhãn tiền.  Xuân đồng ý đến tham dự buổi họp mặt và nhanh chóng làm quen với người khác.  Đức tin của Xuân được hồi sinh khi sống giữa cộng đoàn các tín hữu.  Dần dà, Xuân trở lại với Thánh Lễ.  Việc làm chứng đức tin giống như gieo một hạt giống xuống đất.  Chúng ta sẽ không thấy kết quả ngay tức khắc, nhưng chúng ta cần phải tiếp tục tin tưởng.


Biểu lộ nhiệt tình của mình

Eduardo thốt lên, “Chẳng khác gì Giuđa, chẳng khác gì Giuđa.”  Anh đang ngồi cùng bàn ăn với vài người bạn đồng nghiệp sau một ngày làm việc căng thẳng, bởi vì ông chủ của người bạn tên Don của anh tuyên bố sẽ cho Don thôi việc.  Khi nghe nhận định của Eduardo, Don hỏi lại, “Giuda là ai?  Anh đang nói cái gì vậy?”  Eduardo giải thích, “Thì anh trước giờ vẫn tin tưởng ông ta, nhưng bây giờ ông ta phản bội lại anh.”  Một người bạn khác ngồi cùng bàn chen vào, “Đừng để ý nhiều, Eduardo là người sùng đạo.  Chắc anh ta lại nói về một câu chuyện nào đó ở trong Thánh Kinh.  Giuđa là một nhân vật trong sách Tân Ước.

Mặc dù Don chưa hề đọc Thánh Kinh, vẫn chưa biết các câu chuyện trong đó nói gì, nhưng anh không thể nào quên về buổi nói chuyện hôm đó tại vì ngay ngày hôm sau, Eduardo đã đến gặp ông chủ và cố gắng thuyết phục ông ta cho Don đi làm lại.  Eduardo là người duy nhất làm việc đó.  Mặc dù thất bại nhưng việc làm của anh ta gây ấn tượng mạnh nơi Don.  Và Don biết hành động này của Eduardo nhất định có liên quan nào đó về những câu chuyện trong Thánh Kinh.

Vài năm sau, qua tìm hiểu và sau khi đọc được chuyện Chúa Giêsu chịu khổ hình, Don  hiểu ra sự việc.  Anh chia sẻ kỷ niệm này với lớp Tân Tòng của anh, và chia sẻ hành trình đức tin của anh: “Đến hôm nay tôi vẫn không hiểu tại sao Giuđa lại phản bội Chúa Giêsu, nhưng bạn Eduardo của tôi đã cho tôi thấy rằng nếu mình thật sự tin vào Đức Giêsu, mình sẽ không làm ngơ trước những bất công.  Mình vẫn sẽ tiếp tục tranh đấu, và Chúa Giêsu sẽ đứng về phía mình.”


Thuật lại câu chuyện tuyệt vời

Câu chuyện tuyệt vời của Đức Giêsu Kitô - cuộc đời và những lời giảng dạy, cái chết và sự phục sinh của Ngài – là điểm quy chiếu của tất cả những chứng từ của người Kitô Hữu.  Mỗi khi chúng ta giúp đỡ người khác tìm ra câu chuyện bản thân họ - chuyện vui buồn, những chật vật hay chiến thắng cá nhân, những ao ước hay hy vọng – được hình thành trong chính câu chuyện cuộc đời của Đức Giêsu, chúng ta có thể chắc chắn một điều kỳ diệu nào đó sẽ xảy ra.  Họ sẽ bắt đầu nhận ra mầu nhiệm cứu rỗi rất thực tế và rất ý nghĩa trong chính cuộc đời của họ.
Không cần biết điểm tương đồng của câu chuyện đời họ bắt đầu ở đâu.  Họ có thể tìm thấy mối tương đồng giữa đời họ và cuộc đời Chúa Giêsu ở những khoảnh khắc đầy tràn hồng ân và ơn phúc.  Nhưng cũng có thể ở những khoảnh khắc họ bị phản bội hay chịu đựng đau khổ.  Trong bất kỳ trường hợp nào, sức mạnh của Đức Kitô Phục Sinh đẩy họ tới trước và đi đến một chân trời mới, một chân trời họ không thể nào đến được nếu không có sự Phục Sinh của Ngài.


Hãy là những chứng nhân của ta

Tin trọng đại nhất trên đời là Tin Mừng cứu độ nơi Đức Giêsu Kitô.  Tin vui này thấm sâu vào đời người bằng những cách thức bất ngờ nhất.  Nhưng Tin Mừng không thể tự lan tỏa mà cần phải có người loan báo.

Trong sách Công Vụ Tông Đồ, Đức Giêsu nói với các Môn đệ ngay trước khi lên trời: “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em.  Bấy giờ, an hem sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari, và cho đến tận cùng thế giới” (Cv 1:8).  Lời mời gọi trở thành chứng nhân Đức Kitô vẫn tiếp tục vang vọng trong Giáo hội ngày hôm nay. 

Có thể đôi lúc chúng ta cảm thấy mình không xứng để làm chứng nhân.  Nhưng trong sách Tân Ước có biết bao chứng nhân khá bất ngờ, từ người thu thuế Giakêu đến người đàn bà xứ Samaria có năm đời chồng, cho đến người đã từng là kẻ thù của các Kitô Hữu, ông Phaolô của thành Tarsus.

Có thể chúng ta cảm thấy mình không đủ khả năng để hoàn thành nhiệm vụ.  Nhưng trong lịch sử cứu độ, Thiên Chúa vẫn luôn kêu gọi những người không cảm thấy họ đủ khả năng.  Bà Sarah nói bà đã quá già.  Ông Môisê nói mình không ăn nói mạch lạc được.  Tiên tri Giêrêmia ngại rằng mình còn quá non trẻ.  Đức Maria nói mình đã hứa sống đời đồng trinh.
Nhưng sự thật vẫn là: Thiên Chúa sẽ ban ơn cần thiết.  Điều duy nhất chúng ta cần có là sự tin tưởng vào Ngài.



CÂU HỎI THẢO LUẬN

  1. Câu chuyện hay ý tưởng nào trong bài suy niệm đánh động bạn nhất?  Bạn có phản ứng đặc biệt khi nghe bất cứ chuyện nào không?  Chia sẻ cảm xúc đó với nhóm.
  2. Ý tưởng: làm nhân chứng cho đức tin, chia sẻ, và mời gọi người khác … có làm nảy sinh tự vấn hay câu hỏi gì cho bạn không?
  3. Loan Tin Mừng cần phải được thực hiện trong sức mạnh Chúa Thánh Thần.  Đối với bạn, sự tự tin vào Chúa Thánh Thần giúp bạn trở nên nhân chứng hữu hiệu như thế nào?



CÁC BÀI ĐỌC CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY

  • I Samuen 16:1b, 6-7, 10-13a
  • Thánh Vịnh 23
  • Êphêsô 5: 8-14
  • Gioan 9: 1-41



Lời Nguyện Hiệp Lễ


Lạy Chúa là ánh sáng muôn đời chiếu soi mọi người sinh ra trong trần thế, xin rộng ban ân sủng làm cho tâm hồn chúng con được bừng sáng huy hoàng, để chúng con hằng biết suy tưởng những điều đẹp lòng Chúa, và chân thành yêu mến Chúa mỗi ngày một hơn.  Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.  Amen.