Monday, March 24, 2014

Chúa Nhật Tuần IV: TIN MỪNG TRỌNG ĐẠI CHO THẾ GIỚI

Làm cách nào để chia sẻ với người khác về một tin vui trọng đại nhất thế giới?  Ngôn ngữ nào có thể diễn tả được món quà tuyệt vời mà chúng ta đã được đón nhận, món quà đức tin nơi Đức Kitô?

CÂU HỎI GỞI Ý

  1. Thường bạn có cảm giác gì mỗi khi nghĩ đến việc phải chia sẻ với người khác về Đức Giêsu hay chia sẻ về đức tin Công Giáo của bạn?
  2. Trong kinh nghiệm cá nhân, đâu là một vài trở ngại trong việc chia sẻ đức tin?
  3. Trường hợp nào thường làm cho người ta cởi mở và sẵn sàng đón nhận Tin Mừng hơn?  Cho vài ví dụ.




Lời Nguyện Nhập Lễ

Lạy Chúa, Chúa đã sai Con Một giáng trần để thực hiện công trình kỳ diệu là cho loài người được hòa giải với Chúa.  Xin ban cho toàn thể dân Chúa khắp hoàn cầu được lòng tin sống động để hăm hở đón mừng lễ Vượt Qua sắp tới.  Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.  Amen.



BÀI SUY NIỆM

“Này, muốn xem hình cháu tôi không?”  Ai ai cũng biết bà cụ vừa có cháu nội.  Không cần biết trên thế gian này có bao nhiêu đứa nhỏ ra đời và dễ thương bao nhiêu, đối với bà, cháu bà là cục vàng cục cưng và là đứa nhỏ dễ thương nhất trên thế giới.  Chỉ cần ai hỏi đến cháu là mắt bà sáng lên và bắt đầu hăng say kể về nó.  Và những người nghe cũng cảm thấy vui lây.  Họ cũng cảm thấy được sự kỳ diệu của sự sống bắt đầu ở một trẻ sơ sinh.  Cái cảm giác giống như một ánh sáng mới bừng lên trong lòng mỗi người.  Khi nghe bà kể chuyện về cháu của mình, người nghe cũng liên tưởng đến những đứa con đứa cháu của họ, ngay cả những đứa hiện giờ chưa được sinh ra.


Tin Mừng Đức Giêsu

Chia sẻ tin vui mừng về ơn cứu độ của Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô cũng là một hiện tượng tự nhiên như việc bà cụ chia sẻ với người khác tin vui về đứa cháu của bà, hoặc chia sẻ bất cứ món quà quý báu nào khác.  Mức độ hân hoan vui mừng cũng tương tự như vậy.  Đức tin là một tin vui đáng làm ta hoan hỷ và có một ý nghĩa sâu sắc vô cùng.  Khi một người nói với người khác về những cảm nghiệm phong phú của mình với  tất cả cảm xúc hân hoan vui mừng, sự chia sẻ có hiệu quả như một luồn điện chuyền qua cho người nghe khiến họ đáp trả ngay.  Họ nghe về tin vui đó và họ cảm được sự tốt đẹp của nó.  Và có người sẽ liên tưởng cảm nghiệm đó vào cuộc sống của riêng họ.

Riêng đối với việc chia sẻ Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô, cần phải tiến xa thêm một bước nữa.  Người nghe Tin Mừng được thôi thúc hành động.  Tin Mừng được công bố đòi hỏi phải có một sự đáp trả chứ không phải nghe cách thụ động.  Mỗi khi một người được Tin Mừng Đức Kitô đánh động, chúng ta có thể chắc chắn sẽ có một hành động cụ thể nào đi theo.


Chia sẻ câu chuyện cuộc đời mình

Jason là người khá trầm tính.  Anh ít khi tỏ lộ cảm xúc ra ngoài.  Nhưng mọi người xung quanh ai cũng thấy có một cái gì đó khác lạ nơi anh thời gian gần đây, sự thay đổi có chiều hướng tích cực.  Anh có vẻ hạnh phúc hơn và bình an hơn.  Cuối cùng thì người ta cũng khám phá ra là Jason quyết định gia nhập đạo Công Giáo.  Có người tò mò hỏi anh, “Có phải Beth, vợ sắp cưới, là nguyên nhân dẫn đến quyết định này?”  Jason giải thích, “Mới đầu thì đúng là Beth muốn tôi theo đạo, nhưng càng ngày tôi càng cảm thấy bị cuốn hút vào đời sống đức tin.  Giống như một điều tốt đẹp nhất đang xảy đến với cuộc đời tôi.  Tôi không thể giải thích được …”

Dù cho Jason không thể giải thích mạch lạc được, bạn bè của anh vẫn rất lấy làm thú vị vì họ quý anh.  Họ hỏi Jason nhiều câu hỏi và anh bắt đầu kể cho họ về đời mình.  Có ít nhất là một người trong số người người nghe chuyện của anh cảm thấy được đánh động.  Sau bữa ăn, trên đường trở lại văn phòng chỗ làm, anh ta hỏi Jason, “Thế các buổi họp mặt Thứ Ba hàng tuần mà anh tham dự, ai đến cũng được à?”  Rõ ràng là câu chuyện của Jason cuốn hút anh.  Qua việc chia sẻ câu chuyện đời mình, Jason đã khêu dậy một sự đáp trả.  Đây khoảnh khắc chào đón và mời gọi đã đến.

Giả như Jason đáp lời bằng sự nghi ngại (“Anh hỏi làm gì?”) hay là không khuyến khích người bạn mình đến (“Tôi nghĩ là anh không nên đến”), cơ hội quý báu có thể qua đi.  Nhưng không, Jason đã mỉm cười và nói, “Vâng, chào mừng anh đến.  Có cần tôi chở anh đến không?”

Jason vẫn không nghĩ mình là người rao giảng Tin Mừng.  Anh là người rụt rè, không có tài ăn nói, và vẫn còn  đang trong giai đoạn học hỏi về đạo.  Nhưng quả thật anh đã là một chứng nhân rất hiệu quả.


Lắng nghe và Đáp trả

Thu lắng nghe người hàng xóm tên Xuân mới dọn về khu này vài tháng nay.  Xuân kể lể về sự khác biệt của cuộc sống ngoại ô so với chỗ cô sống lúc trước.  Thu nhận ra là Xuân đang thấy cô đơn.  Thu hiểu lắm vì khi mới dọn về đây cách đây năm năm, cô cũng cảm thấy cô đơn như vậy.  Thông cảm cho cảnh tình của Xuân, Thu chia sẻ trải nghiệm của mình.  Trong kinh nghiệm của Thu, yếu tố quyết định chính là việc tham gia những hoạt động của Giáo xứ Thánh Phanxicô.  Những giáo dân ở đó rất thân thiện và tạo cho cô cảm giác tự nhiên và như được tiếp đón nồng nhiệt.  “Thật vậy à?” Xuân nói tiếp, “tôi được rửa tội Công Giáo từ nhỏ, nhưng đã lâu rồi tôi không đi nhà thờ nữa, từ ngày tôi ly dị chồng.  Tôi chỉ ngại là cộng đồng người Công Giáo không đón nhận và không thân thiện với tôi.”  Thu trả lời ngay, “Không có đâu chị.  Hay là vầy đi, tôi có tổ chức một nhóm cầu nguyện ở nhà tôi vào Thứ Tư tuần tới.  Chị đến đi rồi tôi sẽ giới thiệu chị cho họ.  Bảo đảm chị sẽ thấy ngạc nhiên về sự niềm nở của họ đối với chị.”

Sự thông cảm của Thu đã mở cánh cửa tâm hồn của Xuân.  Đối với cộng đồng của Thu, đức tin và cầu nguyện đóng vai trò cốt lõi, và Thu sẵn sàng chia sẻ Tin Mừng với người xung quanh khi điều kiện cho phép.  Thu không ngần ngại kể về cảm nghiệm bản thân, và mời Xuân cùng “đến mà xem.”  Thu không bao giờ nghĩ mình là người rao giảng Tin Mừng.  Nhưng thật ra, Thu đã làm chứng cho Đức Giêsu, và làm chứng cho mọi người biết phải làm gì để có thể xứng đáng thuộc về một cộng đoàn đức tin.

Và Thu thấy kết quả nhãn tiền.  Xuân đồng ý đến tham dự buổi họp mặt và nhanh chóng làm quen với người khác.  Đức tin của Xuân được hồi sinh khi sống giữa cộng đoàn các tín hữu.  Dần dà, Xuân trở lại với Thánh Lễ.  Việc làm chứng đức tin giống như gieo một hạt giống xuống đất.  Chúng ta sẽ không thấy kết quả ngay tức khắc, nhưng chúng ta cần phải tiếp tục tin tưởng.


Biểu lộ nhiệt tình của mình

Eduardo thốt lên, “Chẳng khác gì Giuđa, chẳng khác gì Giuđa.”  Anh đang ngồi cùng bàn ăn với vài người bạn đồng nghiệp sau một ngày làm việc căng thẳng, bởi vì ông chủ của người bạn tên Don của anh tuyên bố sẽ cho Don thôi việc.  Khi nghe nhận định của Eduardo, Don hỏi lại, “Giuda là ai?  Anh đang nói cái gì vậy?”  Eduardo giải thích, “Thì anh trước giờ vẫn tin tưởng ông ta, nhưng bây giờ ông ta phản bội lại anh.”  Một người bạn khác ngồi cùng bàn chen vào, “Đừng để ý nhiều, Eduardo là người sùng đạo.  Chắc anh ta lại nói về một câu chuyện nào đó ở trong Thánh Kinh.  Giuđa là một nhân vật trong sách Tân Ước.

Mặc dù Don chưa hề đọc Thánh Kinh, vẫn chưa biết các câu chuyện trong đó nói gì, nhưng anh không thể nào quên về buổi nói chuyện hôm đó tại vì ngay ngày hôm sau, Eduardo đã đến gặp ông chủ và cố gắng thuyết phục ông ta cho Don đi làm lại.  Eduardo là người duy nhất làm việc đó.  Mặc dù thất bại nhưng việc làm của anh ta gây ấn tượng mạnh nơi Don.  Và Don biết hành động này của Eduardo nhất định có liên quan nào đó về những câu chuyện trong Thánh Kinh.

Vài năm sau, qua tìm hiểu và sau khi đọc được chuyện Chúa Giêsu chịu khổ hình, Don  hiểu ra sự việc.  Anh chia sẻ kỷ niệm này với lớp Tân Tòng của anh, và chia sẻ hành trình đức tin của anh: “Đến hôm nay tôi vẫn không hiểu tại sao Giuđa lại phản bội Chúa Giêsu, nhưng bạn Eduardo của tôi đã cho tôi thấy rằng nếu mình thật sự tin vào Đức Giêsu, mình sẽ không làm ngơ trước những bất công.  Mình vẫn sẽ tiếp tục tranh đấu, và Chúa Giêsu sẽ đứng về phía mình.”


Thuật lại câu chuyện tuyệt vời

Câu chuyện tuyệt vời của Đức Giêsu Kitô - cuộc đời và những lời giảng dạy, cái chết và sự phục sinh của Ngài – là điểm quy chiếu của tất cả những chứng từ của người Kitô Hữu.  Mỗi khi chúng ta giúp đỡ người khác tìm ra câu chuyện bản thân họ - chuyện vui buồn, những chật vật hay chiến thắng cá nhân, những ao ước hay hy vọng – được hình thành trong chính câu chuyện cuộc đời của Đức Giêsu, chúng ta có thể chắc chắn một điều kỳ diệu nào đó sẽ xảy ra.  Họ sẽ bắt đầu nhận ra mầu nhiệm cứu rỗi rất thực tế và rất ý nghĩa trong chính cuộc đời của họ.
Không cần biết điểm tương đồng của câu chuyện đời họ bắt đầu ở đâu.  Họ có thể tìm thấy mối tương đồng giữa đời họ và cuộc đời Chúa Giêsu ở những khoảnh khắc đầy tràn hồng ân và ơn phúc.  Nhưng cũng có thể ở những khoảnh khắc họ bị phản bội hay chịu đựng đau khổ.  Trong bất kỳ trường hợp nào, sức mạnh của Đức Kitô Phục Sinh đẩy họ tới trước và đi đến một chân trời mới, một chân trời họ không thể nào đến được nếu không có sự Phục Sinh của Ngài.


Hãy là những chứng nhân của ta

Tin trọng đại nhất trên đời là Tin Mừng cứu độ nơi Đức Giêsu Kitô.  Tin vui này thấm sâu vào đời người bằng những cách thức bất ngờ nhất.  Nhưng Tin Mừng không thể tự lan tỏa mà cần phải có người loan báo.

Trong sách Công Vụ Tông Đồ, Đức Giêsu nói với các Môn đệ ngay trước khi lên trời: “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em.  Bấy giờ, an hem sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari, và cho đến tận cùng thế giới” (Cv 1:8).  Lời mời gọi trở thành chứng nhân Đức Kitô vẫn tiếp tục vang vọng trong Giáo hội ngày hôm nay. 

Có thể đôi lúc chúng ta cảm thấy mình không xứng để làm chứng nhân.  Nhưng trong sách Tân Ước có biết bao chứng nhân khá bất ngờ, từ người thu thuế Giakêu đến người đàn bà xứ Samaria có năm đời chồng, cho đến người đã từng là kẻ thù của các Kitô Hữu, ông Phaolô của thành Tarsus.

Có thể chúng ta cảm thấy mình không đủ khả năng để hoàn thành nhiệm vụ.  Nhưng trong lịch sử cứu độ, Thiên Chúa vẫn luôn kêu gọi những người không cảm thấy họ đủ khả năng.  Bà Sarah nói bà đã quá già.  Ông Môisê nói mình không ăn nói mạch lạc được.  Tiên tri Giêrêmia ngại rằng mình còn quá non trẻ.  Đức Maria nói mình đã hứa sống đời đồng trinh.
Nhưng sự thật vẫn là: Thiên Chúa sẽ ban ơn cần thiết.  Điều duy nhất chúng ta cần có là sự tin tưởng vào Ngài.



CÂU HỎI THẢO LUẬN

  1. Câu chuyện hay ý tưởng nào trong bài suy niệm đánh động bạn nhất?  Bạn có phản ứng đặc biệt khi nghe bất cứ chuyện nào không?  Chia sẻ cảm xúc đó với nhóm.
  2. Ý tưởng: làm nhân chứng cho đức tin, chia sẻ, và mời gọi người khác … có làm nảy sinh tự vấn hay câu hỏi gì cho bạn không?
  3. Loan Tin Mừng cần phải được thực hiện trong sức mạnh Chúa Thánh Thần.  Đối với bạn, sự tự tin vào Chúa Thánh Thần giúp bạn trở nên nhân chứng hữu hiệu như thế nào?



CÁC BÀI ĐỌC CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY

  • I Samuen 16:1b, 6-7, 10-13a
  • Thánh Vịnh 23
  • Êphêsô 5: 8-14
  • Gioan 9: 1-41



Lời Nguyện Hiệp Lễ


Lạy Chúa là ánh sáng muôn đời chiếu soi mọi người sinh ra trong trần thế, xin rộng ban ân sủng làm cho tâm hồn chúng con được bừng sáng huy hoàng, để chúng con hằng biết suy tưởng những điều đẹp lòng Chúa, và chân thành yêu mến Chúa mỗi ngày một hơn.  Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.  Amen.


No comments:

Post a Comment