Sunday, March 16, 2014

Chúa Nhật Tuần III: NHÂN CHỨNG CỦA CUỘC SỐNG


Một khi liên kết với Mình Thánh Đức Kitô trong Bí Tích Thánh Thể, chúng ta trở thành chính Thân Thể Đức Kitô và được trao ban cho toàn nhân loại.  Cuộc sống hằng ngày của chúng ta có trở thành nhân chứng của Tin Mừng chưa?  Tâm tình hoán cải mỗi ngày sẽ giúp chúng ta hoàn thành vai trò nhân chứng Tin Mừng ra sao?


Lời Nguyện Nhập Lễ

Lạy Chúa là Đấng rất từ bi nhân hậu, Chúa đã từng chỉ dạy chúng con cách chữa lành những vết thương tội lỗi: là ăn chay hãm mình, siêng năng cầu nguyện, và chia cơm sẻ áo cho kẻ khó nghèo.  Này chúng con nhận biết mình yếu hèn lầm lỗi, và hết lòng sám hối ăn năn; xin Chúa thương đoái nhìn chúng con và đưa tay nâng đỡ.  Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Con Chúa, Chúa chúng con, Đấng hằng sống hằng trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn đời.  Amen.





CÂU HỎI GỢI Ý

  1. Hãy thử một trò chơi nhỏ thế này.  Một người nói lớn lên chữ, “làm nhân chứng,” (witness).  Mọi người trong nhóm nói lên chữ gì hay hình ảnh gì họ liên tưởng đến ngay.  Sau khi hết mọi người chia sẻ, bạn có để ý thấy điều gì đặc biệt trong những chia sẻ của họ không?
  2. Hãy nhớ đến một người đã từng nêu gương sáng đời sống đức tin làm bạn khâm phục và muốn noi theo.  Điều gì về người đó làm bạn khâm phục nhất?
  3. Giành một phút suy gẫm lại đời sống đức tin của chính mình.  Đức tin đã ảnh hưởng đến những quyết định lớn nhỏ trong đời sống bạn ra sao?  Cho ví dụ cụ thể.


BÀI SUY NIỆM


Ý tưởng “làm chứng” thoạt nghe làm ta liên tưởng đến làm chứng trong tòa án.  Thường trong phim ảnh hay đời sống, làm nhân chứng là một trách nhiệm khá nghiêm trọng, nhiều khi tạo ra sự lo âu sợ hãi.  Khi bước lên bục nhân chứng trong tòa, họ phải tuyên thệ sẽ nói hết toàn bộ sự thật và chỉ sự thật mà thôi.

Làm chứng cho đức tin thì lại khác, nó không như trong một tòa án trước mặt quan tòa.  Sẽ không có tuyên thệ, không có ký sự ghi lại lời chứng, không có luật sư bào chữa, và không có bị cáo đang chờ số phận chánh án sẽ quyết định.

Nhưng có một điểm tương đồng rất quan trọng.  Làm nhân chứng tức là phải luôn nói sự thật.  Một nhân chứng đức tin phải nói sự thật về Thiên Chúa: rằng Ngài là Đấng uy quyền nhưng thật gần gũi, Đấng công minh nhưng rất thương xót, và nói về những lời mời gọi cũng như thề hứa của Ngài đối với nhân loại.  Sự thật về đức tin có lúc sẽ rất khó diễn đạt hết, nhất là diễn đạt bằng lời nói.  May mắn thay, người làm chứng về sự thật thường luôn bắt đầu không phải bằng lời nói.  Sự thật về đức tin nhất thiết phải được làm chứng bằng đời sống: cách sống của người làm chứng sẽ là chứng từ hùng hồn nhất.


Làm chứng về sự thật bằng đời sống của mình


Làm cách nào mà qua đời sống mình chúng ta có thể nói về sự thật của Thiên Chúa?  Có ba chiều kích căn bản của việc làm chứng này:

Luân Lý.  Là Kitô Hữu, chúng ta quyết tâm sống đời sống luân lý.  Sống tốt lành ngay cả trong hoàn cảnh khó khăn nhất chính là làm chứng về một Thiên Chúa nguồn mạch của mọi sự tốt lành.  Dĩ nhiên vẫn có những người làm những việc tốt lành mà không có đức tin vào Thiên Chúa.  Nhưng ngay chính những người này, trong cách âm thầm của họ, cũng làm chứng cho một Đấng Tạo Hóa của họ và đã ban cho họ khả năng biết lành biết dữ, biết tốt biết xấu, và tự do để chọn cái đẹp cái tốt.  Việc lành bác ái và hành động theo lương tâm cũng thuộc về việc làm chứng cho đời sống luân lý.  Chúng ta thật sự làm chứng về Thiên Chúa khi chúng ta đáp ứng những nhu cầu của người đang cảnh khó khăn, khi chúng ta suy xét giữa sai và đúng trong đời sống, và chọn lựa cái đúng để theo đuổi.

Tâm linh.  Thật là một vinh dự cho chúng ta người Kitô Hữu vì chúng ta có một mối tương quan thân mật đầy yêu thương với Thiên Chúa qua Đức Kitô.  Chúng ta nói lên sự thật này qua việc trân trọng mối tương quan mật thiết đó với Chúa, và bảo dưỡng nó qua việc cầu nguyện, tôn sùng Ngài theo tính cách cá nhân hay cộng đoàn, và tham dự đời sống Bí Tích.  Người khác sẽ thấy chứng từ của chúng ta khi chúng ta dành thời gian cho cầu nguyện cá nhân, nhiệt tình tham dự các cử hành Phụng vụ, và tỏ lòng tôn kính với những đồ vật thánh hay nơi thánh.  Lòng yêu mến của ta đối với Chúa sẽ được chiếu sáng qua tâm tình hân hoan mà chúng ta tìm được trên những trang sách Thánh Kinh, trong những suy niệm về cuộc đời của Chúa Giêsu và Đức Maria thân mẫu Ngài, và qua những lời kinh tiếng hát chúc tụng Chúa.  Bởi vì Thiên Chúa đã được mạc khải qua Đức Kitô là một Đấng Thiêng Liêng hằng sống và tràn đầy tình yêu thương, Đấng luôn ao ước có được một mối tương quan mật thiết và đầy thương xót với chúng ta, chúng ta làm chứng cho sự thật về Đấng đó khi biết đáp lại một cách nhiệt thành, đầy lòng tin và bằng tất cả con người mình.

Cộng đoàn.  Mối tương quan giữa người Kitô Hữu với Thiên Chúa không phải chỉ có tính cách chiều dọc: giữa ta với Ngài trên trời, mà còn có chiều ngang: giữa ta với những người xung quanh, những phần tử làm nên một Giáo hội.  Chúng ta làm chứng về Chúa qua việc tháp nhập vào một cộng đoàn của Giáo hội, và qua chất lượng đời sống của cộng đoàn đức tin mà chúng ta chia sẻ.  Tình yêu thương chúng ta dành cho nhau, sự nâng đỡ nhau trong lúc khó khăn, sự ăn năn mỗi khi lầm lỗi: tất cả đều minh chứng cho sự hoạt động mãnh liệt của Thiên Chúa đang ngự giữa chúng ta.  Đức tin Kitô không chỉ có “giữa tôi với Giêsu.”  Chúng ta cùng đồng hành với mọi người trên con đường lữ thứ, dù rất tích cực trong đời sống trần gian nhưng con tim đã trao gởi vào đời sống vĩnh cữu về sau rồi.


Những con người đơn sơ bình thường làm nhân chứng


Thông thường, người ta thường tin tưởng và nghe theo những người họ quen biết thân thuộc.  Trẻ nhỏ lớn lên học hỏi bắt chướt giọng nói và cử điệu của cha mẹ.  Trong lĩnh vực đức tin cũng vậy, “faith is caught more than taught” – người ta noi gương đức tin hơn là học những gì người khác dạy về đức tin.

Có thể có nhiều người nghĩ những người rao giảng đức tin hữu hiệu nhất phải là những ai có khả năng trong lĩnh vực truyền thông hay những giáo viên thực thụ.  Nhưng thật ra, những người đã từng hấp dẫn và đem người khác đến với Đức Kitô nhiều nhất thường là những người sống đơn sơ bình thường như phần lớn chúng ta.  Nhân chứng đáng tin cậy nhất thường là những người hàng xóm, đồng nghiệp, thành viên gia đình đang sống đức tin.  Bạn hãy nghiệm lại kinh nghiệm đức tin của bản thân xem: đã có nhiều nhân chứng qua đời sống và việc làm của họ thuyết phục được bạn rằng đức tin Kitô Giáo thật quan trọng và đáng tin cậy.
Như Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã nói: “Đối với Giáo Hội, công cụ rao giảng Tin Mừng đầu tiên là việc chúng ta làm chứng cho một lối sống Kitô Hữu đích thực …’  Con người trong xã hội hiện đại nghe lời người làm chứng hơn là nghe lời người giảng thuyết, và nếu họ có nghe lời người giảng thuyết đó là bởi vì vị giảng thuyết đã sống nhân chứng đức tin…’  Vì thế, chủ yếu qua cử chỉ và qua đời sống của mình mà Giáo hội sẽ rao giảng Tin Mừng cho toàn thế giới” (Evangelization in the Modern World, 41).


Được kêu gọi sống đời hoán cải liên tục


Đáng tiếc thay, không phải cử chỉ hay lối sống nào của những người theo Chúa cũng làm chứng cho Tin Mừng của Chúa.  Nhiều khi chúng ta không cần tìm kiếm đâu xa cũng đã thấy quá nhiều những lối sống và cử chỉ không để ánh sángTin Mừng tỏa sáng.  Những người đó thật ra phản ảnh sự rạn nứt và tội lỗi của con người.  Lối sống và hành động đó thật ra phản ngược với việc làm chứng Tin Mừng.

Cá nhân và cộng đoàn phải thường xuyên ngồi lại và tự vấn mình: cách tôi ứng xử hôm nay đã để lại chứng từ gì?  Lối sống và hành động của chúng ta có làm chứng cho sự thật của Thiên Chúa và sức mạnh biến đổi của Ngài trong con người chúng ta, hay là chúng ta đã làm chứng cho một giá trị nào hoàn toàn khác?


Phong trào Đại Kết Liên Tôn


Một phong trào vĩ đại trong thế kỷ 20, Phong trào Đại Kết Liên Tôn, phát sinh từ mối ưu tư rằng: những chia rẽ giữa các Giáo hội Kitô sẽ là “phản chứng” của Tin Mừng cho thế giới, đặc biệt là đối với các xứ truyền giáo ở Châu Phi và Châu Á, khi mà những người có ý muốn tìm hiểu về đạo lại phải chứng kiến sự chia rẽ sâu sắc giữa những người theo Đức Kitô.  Tại sao có quá nhiều Giáo hội khác nhau?  Đức Kitô bị phân rẽ sao?

Những vị truyền giáo ao ước được cộng tác với nhau chứ không phải tranh đấu với nhau.  Vì thế, các vị lãnh đạo tôn giáo đã bắt đầu tìm cách xoa dịu và hàn gắn những vết thương do sự chia rẽ.  Động cơ này đã thúc đẩy công cuộc thống nhất Kitô Giáo của thế kỷ.  Giáo Hội Công Giáo tán thành phong trào này, và còn thổi thêm nhiệt huyết cho nó tại Công đồng Vaticanô II: “Hoàn trả lại sự hiệp nhất giữa mọi Kitô Hữu là một trong những lưu tâm hàng đầu của Công đồng” (Decree on Ecumenism, 1).


Sự hoán cải có thể làm chứng từ


Thỉnh thoảng, mỗi cá nhân chúng ta cũng cảm nghiệm được sự hồi tỉnh.  Chẳng hạn, chúng ta có thể bị lẩn quẩn trong những xích mích lâu đời trong gia đình, nhưng một ngày nọ chúng ta hồi tâm lại và tự hỏi những xích mích và hờn giận sẽ để lại ảnh hưởng gì cho con cháu mai sau?  Liệu chúng ta có thể dạy chúng bài học yêu thương và tha thứ qua những xích mích của chính mình không?  Hoặc chúng ta có thể có thói quen hùa theo đồng nghiệp nói xấu, chia rẽ, đồn đãi tin thất thiệt, hay trêu đùa thiếu tôn trọng làm hại đến danh dự người khác, nhưng một ngày nọ bỗng dừng lại và tự hỏi: tôi có đang tỏ lòng tôn trọng đến hết mọi người như Đức Kitô đã làm không?

Nhân chứng qua đời sống đòi hỏi một sự hoán cãi ngày càng sâu sắc hơn; và đây cũng là một cuộc hành trình trong cuộc đời.  Thật vậy, gương làm chứng nhân đức tin hay nhất có thể là việc chúng ta khiêm tốn suy niệm trên những cử chỉ hành động, và ăn năn về những điều không làm chứng được cho Tin Mừng mà chúng ta tin.  Hành động đức tin này minh chứng cho bài học Đức Kitô: Đấng đã đến không phải để kêu gọi người công chính, nhưng để kêu gọi người tội lỗi ăn năn hối cải, và lời kêu gọi vẫn còn thiết tha mỗi ngày trong cuộc sống hôm nay.  Gương sống như những người trên đường lữ hành của chúng ta sẽ có sức mời gọi người khác cùng tham gia lên đường, cùng lắng nghe tiếng mời gọi hoán cải liên tục, cùng cảm nghiệm được niềm hân hoan trong Đức Kitô, Đấng đang dẫn dắt chúng ta đến một cuộc sống tràn trề ân phúc.



CÂU HỎI THẢO LUẬN

  1. Ý tưởng nào trong bài suy niệm này bạn muốn suy niệm sâu sắc hơn nữa?
  2. Bạn có biết người nào đã từng được gương sống đức tin của người khác lôi kéo họ đến với Hội thánh không?  Bạn khám phá ra điều gì thú vị nơi hành trình đức tin của người đó.  Chia sẻ câu chuyện với mọi người nếu có thể.
  3. Hồi tưởng về những yếu đuối khó khăn hay những cảm nghiệm hồi tâm ăn năn hối cải của bạn.  Có tính xấu hay điều kiện khó khăn nào có khả năng “phản chứng” (counter-witness) Tin Mừng không?  Điều gì làm bạn vẫn bám víu vào đức tin và có hy vọng sẽ vượt thắng?
  4. Trong 3 chiều kích có thể làm chứng cho Tin Mừng (Luân lý, Tâm linh, Cộng đoàn), bạn cảm thấy lôi cuốn đầu tư phát chiều kích nào nhất tại thời điểm này?  Chia sẻ lý do, cảm nghĩ của bạn về lựa chọn này.



Bài đọc Chúa Nhật III Mùa Chay

  • Xuất Hành 17: 3-7
  • Thánh Vịnh 95
  • Roma 5:1-2, 5-8
  • Gioan 4: 4-42


Lời Nguyện Hiệp Lễ

Lạy Chúa, Chúa đã cho chúng con, tuy còn ở dưới thế, được nếm thử lương thực trên trời.  Xin cho mỗi người chúng con biết đem cả cuộc đời hiện tại biểu dương những kỳ công tuyệt vời mà Bí Tích Thánh Thể vừa thực hiện nơi chúng con.  Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.  Amen.



No comments:

Post a Comment