Monday, March 2, 2015

Chuẩn bị cho Chúa Nhật III Mùa Chay: NHỮNG GÌ DIỄN RA Ở THÁNH LỄ CHÚA NHẬT?


Thánh Lễ vừa là một hiến tế vừa là một bữa tiệc, nhưng nó không phải là một hiến tế bình thường hay là bất cứ một buổi tiệc bình thuờng nào khác.  Những danh từ đó có ý nghĩa đặc biệt gì đối với bạn?  Chỉ có qua việc tưởng nhớ cuộc đời Đức Giêsu: những gì Ngài dạy, những đau khổ Ngài gánh chịu, việc Ngài chỗi dậy từ cõi chết và sống trong sự sống mới , và việc Ngài kêu gọi chúng ta đến bàn tiệc nước trời … chúng ta mới có thể đi đến một hiểu biết những gì diễn ra ở Thánh Lễ.

LỜI NGUYỆN NHẬP LỄ

Lạy Chúa là Đấng rất từ bi nhân hậu, Chúa đã từng chỉ dạy chúng con cách chữa lành những vết thương tội lỗi: là ăn chay hãm mình, siêng năng cầu nguyện và chia cơm sẻ áo cho kẻ khó nghèo.  Này chúng con nhận biết mình yếu hèn lầm lỗi, và hết lòng sám hối ăn năn; xin Chúa thương đoài nhìn chúng con và đưa tay nâng đỡ.  Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.  Amen.




CÂU HỎI MỞ ĐẦU

  1. Hãy nhớ về kỷ niệm ngày Rước Lễ Lần Đầu: khung cảnh, những người hiện diện, những suy nghĩ và cảm xúc của bạn.  Thái độ và hiểu biết của bạn đối với Bí Tích Thánh Thể thay đổi như thế nào từ ngày hôm đó cho tới hôm nay?
  2. Bạn thích nhất hình ảnh nào của Đức Giêsu?  Hình ảnh đó trong tâm trí hay trên tranh ảnh có ý nghĩa gì đối với bạn?  Hình ảnh đó có liên hệ gì không đối với hình ảnh của Đức Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể mà bạn liên tưởng đến?
  3. Hãy thử một trò chơi nhỏ này:  Viết xuống trên giấy tất cả những hình ảnh, tư tưởng, câu, chữ hay bất cứ điều gì bạn liên tưởng tới khi bạn nghe chữ “thập giá.”  Làm y như vậy đối với chữ “bàn tiệc.”  Bạn có để ý thấy điểm gì đặc biệt trong những liên tưởng này không?  Các liên tưởng này có đi theo một mẫu thức (pattern) nào không?


BÀI SUY NIỆM

Món Quà Trí Nhớ


“Bạn có nhớ hồi nhỏ hay thích chơi nhảy dây không?”  “Hãy nhớ là bài tập này tuần sau phải nộp cho cô rồi đấy!”  “Bạn có nhớ nụ hôn đầu đời của mình không?”  “Khi biến cố 9/11 xảy ra, bạn có nhớ bạn đang làm gì không?”  “Nhớ đem theo găng tay đó nhé!”  “Mỗi khi nghe bài đó tôi lại nhớ đến giọng cười của bạn.”

Trí nhớ là một lĩnh vực tuyệt vời dùng để định nghĩa tính chất con người.  Trí nhớ có thể đem lại niềm vui sướng, cảm giác yêu thương, nó cũng có thể đem lại những ý nghĩ, những cảnh giác, hay đem lại sự hoài niệm, hay những cảm giác liên quan đến những cam kết giữa ta và một người khác.  Quá khứ trở thành hiện tại – và chúng ta có mặt ở những gì xảy ra trong quá khứ, trong cùng một cách thức có khả năng dẫn chúng ta bước tới tương lai.  Trí nhớ là cách thức mà qua đó, quá khứ và những gì chúng ta cam kết trong quá khứ trở thành hiện hữu trong hiện tại, và tiếp tục ảnh hưởng một cách sinh động trong đời sống hằng ngày của chúng ta.

Những ký ức đặc biệt nhất được hình thành dựa trên căn tính của người đó và trên những gì là quan trong nhất đối với người đó.  Ký ức thường chịu ảnh hưởng bởi những người chung quanh, những người giúp cho chúng ta nhớ lại những ký ức của mình.  Ký ức cũng thường được gợi lại bởi nhiều điều: một vật thể, một hình ảnh, một kỷ vật, một bản nhạc, một hương vị, một cảm giác xác thịt nào đó v.v…  Những ký ức chung giúp liên kết con người lại với nhau: nó giúp tăng cương bản tính cộng đồng.  Thật là một thảm kịch đáng thương cho ai bị căn bệnh mất trí nhớ, bởi vì nó làm cho người bệnh bị tách ly ra khỏi những người thân yêu đã từng chia sẻ cuộc đời với mình.

“Hãy nhớ mình là bụi tro …”  “Hãy nhớ đến những ai đã ra đi trước chúng ta, được ghi dấu bởi đức tin …”  “Lạy Chúa, xin hãy nhớ đến lòng thương xót Chúa.”  “Có thể nào người mẹ quên được con thơ? … Nhưng ngay chính khi người mẹ quên đi con mình, Ta vẫn nhớ đến con.”  Phụng Vụ, Thánh Vịnh, Thánh Kinh: tất cả đều nhắc đến đến sức mạnh của trí nhớ.  Tuy nhiên, không có bất cứ một ký ức nào mạnh mẽ, quan trọng, và mang nhiều hoa quả cho bằng ký ức về những gì Đức Giêsu đã làm cho chúng ta qua cái chết và sự phục sinh mang lại ơn cứu chuộc cho chúng ta.


“Hãy Làm Việc Này Mà Nhớ Đến Ta”


Ở bữa Tiệc Ly, khi Chúa Giêsu cầm lấy bánh, chúc tụng, bẻ ra và trao cho các Môn đệ, và khi Người chia sẻ chén rượu với các ông, Ngài cũng đã trao cho họ một mệnh lệnh: “Hãy làm việc này mà nhớ đến Ta.”  Qua lời nói: Mình Ta sẽ trao ban và Máu Ta sẽ đổ ra cho Giao Ước Mới, Ngài nói đến hiến tế trên đồi Canvê sắp sửa xảy ra.  Cho nên các Môn đệ nhớ đến điều gì khi họ thực hành mệnh lệnh “hãy làm việc này” của Thầy Giêsu?  Trên hết tất cả mọi sự, họ thật sự nhớ đến cuộc khổ hình của Đức Kitô, cái chết và phục sinh của Ngài -  đây là biến cố Ngài trao ban toàn vẹn bản thân mình cho sự sống của thế giới, đây là hiến tế ơn cứu độ cho chúng ta.

Khi chúng ta “tưởng nhớ” cái chết và sự sống lại cứu độ của Đức Giêsu trong Phụng vụ, đó là một sự “tưởng nhớ” đặc biệt và sâu sắc.  Có một từ trong ngôn ngữ Hy Lạp dùng để diễn tả hành động tưởng nhớ này, “anamnesis.”  Tưởng niệm trong Phụng vụ không chỉ đơn thuần là gợi nhớ lại các sự kiện diễn ra trong quá khứ xa xưa.  Hành động “tưởng nhớ” trong Phụng vụ có mang khả năng đem những sự kiện trong quá khứ đến thời điểm hiện tại cho những tín hữu, ngay chính tại chính nơi chốn và thời gian họ đang cử hành việc tưởng nhớ đó.  Những người Do Thái mừng lễ Vượt Qua hàng năm trong tinh thần đó: họ khuyến khích những người tham dự bữa tiệc Vượt Qua trong cách thức như thể chính họ đang được Chúa cứu ra khỏi nô lệ Ai Cập.  Cũng tương tự như vậy, mỗi khi chúng ta tụ họp với nhau vì Bí Tích Thánh Thể, chúng ta tưởng nhớ việc Chúa chịu chết và sống lại, và để việc tưởng nhớ này làm cho chúng ta hiện diện ở chính biến cố cứu chuộc ngay trong thời điểm hiện tại.

Cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô trong cách thức nhiệm mầu trở nên một sự kiện của thời điểm hiện tại mỗi khi Thánh Lễ được cử hành.  Như sách Giáo lý Công Giáo giải thích, “Mầu nhiệm Vượt Qua của Ngài là một biến cố thật đã xảy ra trong lịch sử, nhưng nó cũng rất đặc biệt: trong khi tất cả những biến cố lịch sử khác chỉ xảy ra có một lần và sẽ qua đi và biến mất trong qua khứ, mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô không gói gọn trong quá khứ của lịch sử, bởi vì qua cái chết Ngài đã tiêu diệt sự chết, và qua tất cả những gì Ngài thực hiện và chịu đựng cho con người, mầu nhiệm Vượt Qua diễn ra trong sự trường cữu thiêng liêng, vượt qua thời gian, cùng một lúc làm trở nên hiện hữu trong mọi thời điểm của thời gian.  Biến cố Thập Giá và Phục Sinh tác động và hướng mọi sự về sự sống” (#1085).  Phụng Vụ mở cánh cửa cho chúng ta bước vào biến cố cứu chuộc mỗi khi chúng ta cử hành nó.


Một Hiến Tế và Một Bữa Ăn


Sách Giáo lý Công Giáo cũng giải thích rằng Thánh Lễ còn được gọi là một hiến tế “bởi vì nó đem hy sinh Thập Giá vào thời điểm hiện tại, bởi vì nó là một lễ tưởng niệm” (#1366).  Sự hy sinh của Đức Kitô là hiến lễ độc nhất có thể đem lại ơn tha thứ mọi tội lỗi.  Chúng ta kết hiệp những hy sinh nhỏ bé của chúng ta – những hy sinh trong cuộc đời mình – vào hiến lễ hy sinh của Đức Kitô trên bàn thờ, bởi vì của lễ toàn hiến của Đức Kitô hoàn hảo, đầy đủ và luôn luôn được Đức Chúa Cha chấp nhận.

Đây là một ân huệ thật tuyệt vời: chúng ta được tham dự vào chính sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi mỗi khi chúng ta được đón nhận vào trong việc toàn hiến của Đức Kitô.  Chúng ta không thể mua được sự cứu độ cho mình qua việc tăng thêm số lượng hay chất lượng của những hy sinh cá nhân.  Thật ra, qua việc chúng ta kết hợp những của lễ yếu đuối bất toàn của đời mình vào hiến tế toàn diện và hoàn hảo của Đức Kitô, chúng ta bước đi trên con đường dẫn đến trọn hảo mỗi ngày một hơn, như là một món quà và một ân sủng.

Thánh Lễ còn là một bữa ăn thiêng liêng, trong đó chúng ta tưởng nhớ đến cuộc đời của Đức Giêsu và ôn lại việc Ngài vẫn luôn cầu bầu cho chúng ta trước mặt Thiên Chúa là Cha mọi loài.  Tưởng nhớ đến Ngài đồng nghĩa với việc làm theo lời dạy của Ngài và tham dự vào công việc mục vụ của Ngài.  Tại bàn tiệc Thánh Thể, làm sao chúng ta quên được biết bao nhiêu là những bữa tiệc khác của Đức Giêsu.  Có những bữa tiệc gây nhiều tranh cãi, như là bữa tiệc Ngài ngồi cùng bàn với những người tội lỗi và ăn uống với họ.  Có những bữa tiệc tràn đầy niềm vui khi sự hòa giải và hiếu khách được diễn ra.  Có những bữa tiệc Đức Giêsu thách đố cả chủ lẫn khách.  Và tại Bữa Tiệc Ly như Phúc Âm thánh Gioan diễn tả, Đức Giêsu rửa chân cho các Môn đệ và dạy họ bài học khiêm nhường và phục vụ họ không bao giờ quên.

Ngay cả sau khi sống lại, Đức Giêsu lại ăn uống với các Môn đệ Ngài.  Ngài làm bữa ăn sáng cho các ông tại bờ biển (Gioan 21:12).  Ở một lần hiện ra khác khi Ngài nói, “Chính Ta đây” chứ không phải bóng ma, Ngài đã ăn một miếng cá để chứng minh Ngài là người (Luca 24:39).  Bữa tiệc Thánh Thể vô cùng phong phú bởi vì nó có thê chỉ đến những phương diện khác nhau của con người Đức Giêsu, kể cả cuộc sống của Ngài sau khi phục sinh.

Và sau cùng, Thánh Lễ hướng chúng ta đến bàn tiệc vĩnh cữu trên Thiên đàng.  Thánh Lễ tưởng nhớ lại quá khứ, nhưng cùng một lúc hướng về tương lai.  Thiên đàng thường được Thánh Kinh diễn tả như là một bữa đại tiệc.  Tất cả niềm hy vọng của chúng ta được kết hiệp với Chúa muôn đời được diễn tả từ Bí Tích Rửa Tội chúng ta lãnh nhận, từ đó vẫn tiến về trước cho đến bữa đại tiệc cưới, nơi tiệc cưới này, Đức Kitô chính là vị tân lang.

Phụng Vụ Rửa Tội cũng rất ý nghĩa.  Khi người vừa được thanh tẩy nhận chiếc nến thắp sáng, những lời này được đọc lên: “Khi Thiên Chúa ngự đến, con hãy bước ra mà đón Ngài cùng với các thánh nơi Thiên Quốc.”  Những lời này gợi nhớ lại dụ ngôn những cô trinh nữ không ngoan và khờ dại (Matthêu 25:1-13).  Những cô khôn ngoan cẩn thận tích trữ dầu đèn của mình để nó có thể cháy sáng lên khi chàng rể đến, và họ sẽ được chàng rể đưa vào bữa tiệc cưới.  Thánh Lễ làm cho chúng ta háo hức mong chờ được tham dự bữa tiệc trên Thiên Quốc, chuẩn bị chúng ta cho bữa tiệc đó, và nung nấu niềm hy vọng vinh quang cho những ai mong chờ ngày trở lại của Đức Kitô.


CÂU HỎI HƯỚNG DẪN CHIA SẺ

  1. Khi theo dõi bài chia sẻ này, điều gì cuốn hút bạn và tại sao?  Điều gì làm bạn khó hiểu, băn khoăn, và tại sao?
  2. Suy niệm: việc tôi tận hiến cuộc đời mình cho Chúa có nghĩa là gì?  Điều gì giúp bạn dâng hiến cuộc đời mình cho Chúa trong Thánh Lễ?  Điều gì ngăn trở bản dâng hiến đời mình trong cách thức này?
  3. Trong tất cả những câu chuyện về các bữa tiệc trong Phúc Âm (ví dụ: tiệc có Matta và Maria, tiệc Chúa ăn cùng bàn với gái điếm và người thu thuế, tiệc mừng người con hoang đàng trở về, tiệc hóa bánh nuôi năm ngàn người, tiệc nơi Chúa Giêsu rửa chân các Môn đệ, tiệc tại làng Emau, v.v..), bữa tiệc nào bạn thích thú nhất?  Bữa tiệc đó liên quan thế nào đến bữa tiệc Thánh Thể?  Nó có mang ý nghĩa gì đến đời sống thường nhật?


CÁC BÀI ĐỌC THÁNH LỄ

  • Xuất Hành 20: 1-17
  • Thánh Vịnh 19
  • I Côrintô 1: 22-25
  • Gioan 2: 13-25


LECTIO DIVINA

            Xuất Hành 20: 1-3, 7-10, 12-17


LỜI NGUYỆN HIỆP LỄ


Lạy Chúa, Chúa đã cho chúng con, tuy còn ở dưới thế, được nếm thử lương thực trên trời.  Xin cho mọi người chúng con biết đem cả cuộc đời hiện tại biểu dương những kỳ công tuyệt vời mà Bí tích Thánh Thể vừa thực hiện nơi chúng con.  Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.  Amen.


No comments:

Post a Comment