Tuesday, March 24, 2015

Chuẩn bị cho Chúa Nhật Lễ Lá: ĐIỀU GÌ ĐƯỢC THAY ĐỔI QUA THÁNH LỄ

Quan niệm hời hợt về Thánh Lễ thường dẫn đến kết luận là mọi sự trong Thánh Lễ đều được giữ cố định không dịch chuyển.  Nhìn bề ngoài thì có vẻ y như vậy: tuần nào chúng ta cũng làm một số cử chỉ giống nhau, nói những lời thưa giống nhau, nhiều khi hát cùng những bài hát tuần trước nữa.  Sự cố định và chu kỳ lập lại có thể tạo cho ta cảm giác yên ổn, nhưng có phải đó là tất cả trong một Thánh Lễ không? 


LỜI NGUYỆN NHẬP LỄ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã muốn cho Đấng cứu chuộc loài người phải sống kiếp phàm nhân và chịu khổ hình thập giá để nêu gương kiêm nhường cho thiên hạ noi theo.  Xin cho chúng con biết đón nhận bài học Người để lại trong cuộc thương khó, và được thông phần vinh quang phục sinh với Người.  Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.  Amen.


CÂU HỎI MỞI ĐẦU

  1. Hãy đo thời gian xem hoạt động sau đây kéo dài bao lâu: Tường thuật lại cốt truyện của một cuốn phim, tiểu thuyết, truyện ngắn hay một bản kịch trên TV mà bạn thích nhất (dành vài phút thinh lặng để chuẩn bị).  Sau một vài truyện, bây giờ tường thuật lại “cốt truyện” của một Thánh Lễ (dành vài phút chuẩn bị).  Theo bạn thì “cốt truyện” của một Thánh Lễ là gì?
  2. Là con người, chúng ta chỉ sống ở trần gian trong một thời gian giới hạn.  Chúng ta không thể hoàn thành tất cả những gì mình mong muốn hoàn thành.  Tuy nhiên, mỗi người đều có thể có ảnh hưởng đến người khác và ảnh hưởng đến thế giới.  Sau khi cuộc đời mình qua đi, bạn muốn để lại danh tiếng gì của mình?
  3. Mùa Chay dần kết thúc và Tuần Thánh bắt đầu, bạn muốn dâng lời cầu nguyện gì cho nhóm chia sẻ này của mình?


 


BÀI SUY NIỆM


Trên Đường E-mau


Trong câu chuyện thân thuộc từ Thánh Kinh (Luca 24: 13-35), có hai Môn đệ đang trên đướng đến làng E-mau.  Trên đường đi, họ gặp một người lạ và nói chuyện với ông ta, chia sẻ với ông ta những khủng hoảng khi đối diện với những gì xảy ra với thầy của họ là Đức Giêsu Nazarét.  Giữa những trao đổi sôi nổi đó, người lạ mặt khai mở ý nghĩa của những trang Kinh Thánh cho họ.  Họ cảm thấy được đánh động sâu xa.  Họ mời người lạ ở lại với họ, và đã nhận ra ông ta là ai qua nghi thức bẻ bánh.  Người lạ mặt đó chính là Đức Giêsu.  Hai Môn đệ vội vã đi báo lại cho những người khác: chúng tôi đã nhìn thấy Đức Chúa.

Lần mở câu chuyện này, chúng ta thấy được cấu trúc của một Thánh Lễ.  Chúng ta tụ họp lại với nhau, rất có thể với nhiều ưu tư về quá khứ và đầy những lo lắng về tương lai.  Trong Phụng Vụ Lời Chúa, chúng ta đón nhận Thánh Kinh được công bố và giảng giải.  Tâm hồn chúng ta được đánh động mãnh liệt vì chúng ta thấy được ý nghĩa của những sự kiện trong hiện tại, và hé mở cho thấy sự hiện diện của Chúa trong tất cả những sự kiện đó.  Và trong bữa ăn thiêng liêng Bàn Tiệc Thánh Thể, chúng ta gặp gỡ Đức Giêsu đang ở giữa chúng ta.  Chúng ta nhận ra Ngài qua nghi thức bẻ bánh.  Ngài đã sống lại.  Ngài vẫn đang sống.  Ngài hiện diện với chúng ta.  Sau cùng, chúng ta được sai đi để chia sẻ Tin Mừng trọng đại này với người khác.

Hai Môn đệ trong câu chuyện vội vã lên đường để loan truyền cho người khác những gì họ đã thấy và nghe.  Họ tràn đầy nhiệt huyết.  Họ được thay đổi sâu xa bởi sự gặp gỡ với Đức Chúa Phục Sinh.

Còn chúng ta thì sao?


Điều Được Thay Đổi


Niềm tin của người Công Giáo đặt trọng tâm ở sự thay đổi bánh và rượu trở thành Mình mà Máu Đức Kitô.  Đây là một sự thay đổi thực sự và rất quan trọng.  Nhưng hơn nữa, nếu chúng ta biết mở lòng trước quyền năng của Chúa Thánh Thần trong Bí Tích Thánh Thể, sự thay đổi ở Bánh và Rượu còn tiếp tục đi xa hơn nữa.  Đó sự thay đổi ở những người tham dự mầu nhiệm đó.

Chúng ta cũng được thay đổi.  Tham dự vào mầu nhiệm Thánh Thể làm chúng ta nên một với Mình và Máu Đức Kitô, từ đó chúng ta có thể được “đổ ra” và “cho đi” cho cuộc sống của thế giới.  Hội Thánh được kêu mời chia sẻ sứ vụ của Đức Kitô và Chúa Thánh Thần.  Thật là một ơn gọi tuyệt vời.

Khi Giáo Hội đáp lại lời mời kêu mời này, đem ánh sáng Đức Kitô đến cho mọi người và đem chân lý Kitô vào cấu trúc của xã hội, những thay đổi dựa trên nền tảng Tin Mừng cũng sẽ tuôn chảy vào thế giới của chúng ta.  Và như hiệu ứng dây chuyền, món quà tình yêu ơn cứu độ của Chúa bắt nguồn từ mầu nhiệm Thánh Thể, qua mỗi người tham dự chúng ta, và đi đến những ai chúng ta gặp gỡ trong cuộc sống.


Đó Là Một Kế Hoạch


Trong tông huấn Mane Nobiscum Domine (2004), Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II gọi cuộc gặp gỡ với Đức Kitô trong Thánh Lễ là một lời kêu gọi khẩn thiết cho chúng ta trong việc làm chứng và rao truyền Tin Mừng (MND 24).  Lấy từ cấu trúc của Thánh Lễ, Đức Thánh Cha chỉ ra rằng, “nghi thức sai đi ở cuối lễ là một nghĩa vụ được trao cho các Kitô hữu, mời gọi họ làm việc để loan truyền Tin Mừng và thấm nhuần xã hội với những giá trị Kitô Giáo.”
Ngài còn giải thích rằng Thánh Lễ không những gợi hứng cho ta đi đến việc truyền giáo, mà còn cho chúng ta một kế hoạch để đi theo khi chúng ta đáp lại lời mời gọi của Chúa đi đến với anh em trong thế giới.

Thánh Lễ “cho chúng ta một kế hoạch” có nghĩa là thế nào?  Thánh Lễ nuôi dưỡng và ban sức mạnh cho chúng ta, đó là điều đương nhiên.  Thánh Lễ gợi nhiều cảm hứng, đó là điều đương nhiên.  Nhưng bất cứ hành động nào chúng ta làm (hay bỏ bê không làm) một khi chúng ta rời khỏi nhà thờ sau Thánh Lễ, có phải hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định của chúng ta?  Hay là: Nhiệm tích Thánh Thể khi vừa được cử hành xong chẳng chỉ ra cho chúng ta phải làm gì hay làm nó ra sao, có phải vậy chăng?

Dĩ nhiên Thánh Lễ không xiết chặt chúng ta trong một khuông khổ cứng nhắt với những chỉ định chi ly buột chúng ta tiếp tục sứ mạng của Đức Kitô bằng cách nào.  Thánh Lễ không đề ra cho chúng ta một kế hoạch như kiểu một cuốn sách hướng dẫn làm thế nào lắp ráp một cái bàn cái ghế.  Thánh Lễ cho chúng ta một kế hoạch theo ý nghĩa khác.  Khi tín hữu tham dự Thánh Lễ với mức độ giá trị và ý nghĩa nhất định, cả tâm tình bên trong lẫn cử chỉ bên ngoài, chúng ta bắt đầu để ý thấy một nhịp điệu xuất hiện.  Khi chúng ta để cho Nhiệm Tích Thánh Thể trong Thánh Lễ hình thành những hành động của chúng ta theo những nhịp điệu đó, chương trình của Thiên Chúa sẽ có cơ hội được thực hiện và tỏ lộ nơi thế giới chúng ta sống.


Tạ Ơn


Điều đầu tiên trong kế hoạch này là tâm tình tạ ơn.  Tiếng gốc của Thánh Lễ, Eucharist, có nghĩa là tạ ơn.  Kinh Tiền Tụng (trước khi truyền phép), the Eucharistic Prayer, là lời kinh tạ ơn của chúng ta dâng lên Thiên Chúa.  Lời nguyện trên bánh và rượu lúc chúng ta dâng của lễ trên bàn thờ cũng tràn đầy tâm tình tạ ơn, khi chúng ta chúc tụng Chúa vì những món quà đến từ sự tạo thành của Chúa.  Cử chỉ hướng lòng và hướng tất cả con người và bản thể của chúng ta lên đến Chúa trong tâm tình tạ ơn, đây là chiều hướng căn bản nhất trong cử hành Phụng Vụ Thánh Thể.

Tâm tình tạ ơn đó cũng là trung tâm điểm của việc chúng ta sống chứng nhân trong cuộc đời và việc chúng ta chia sẻ Tin Mừng của Đức Giêsu cho thế giới.  Tâm tình tạ ơn giúp chúng ta xác định sự hiện diện và sự tốt lành của Thiên Chúa.  Ngài luôn tuôn đổ tràn đầy ân sủng tốt đẹp.  Trong cuộc sống, chúng ta luôn cần phải biết ơn một người nào đó.  Bởi vì Chúa chúng ta là Thiên Chúa của tình yêu mạc khải qua Đức Giêsu Kitô, chúng ta luôn có thể tìm được từ đáy con tim của mình tiềm năng cho sự hỷ xả, và sẵn sàng độ lượng để cho tha nhân một cơ hội làm lại cuộc đời, và chúng ta có thể làm được như vậy ngay chính trong lòng xã hội hôm nay tràn đầy sự tranh chấp và nghiệt ngã này.  Sống theo kế hoạch của nhiệm tích Thánh Thể chính là sống theo tâm tình biết ơn và độ lượng này.

Người được uốn nắn bởi Mầu Nhiệm Thánh Thể hô hấp bằng tâm tình tạ ơn, và vì thế có thể đem tâm tình đó đến với người khác.  Họ biết đức tin có thể làm được tất cả (Mác-cô 9:23); họ biết không gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Chúa trong Đức Kitô (Rô-ma 8:38-39).  Con người của đức tin thấy được bằng chứng của tình Chúa yêu thương và quan phòng ngay cả trong những hoàn cảnh buồn sầu, đau khổ và mất mát.  Đây là chứng từ vô cùng mạnh mẽ.


Tình Liên Đới


Nếu Bí Tích Thánh Thể trong Thánh Lễ có mạc khải cho chúng ta điều gì, điều đó không là gì khác hơn mầu nhiệm của sự hiệp nhất.  Qua Thánh Lễ, chúng ta khám phá ra tất cả chúng ta đều là anh chị em với nhau.  Nhân loại thật là một gia đình, con của một vị Cha Chung đầy yêu thương.  Tái tạo lại mối tương quan chiều dọc (giữa con người với Thiên Chúa) và mối tương quan chiều ngang (giữa con người với con người) chính là công trình vĩ đại của Thiên Chúa, Đấng đã “giao hòa thế gian với Người trong Đức Kitô” (II Cô-rin-tô 5:19).

Sự hiệp nhất của nhân loại được nhìn thấy nơi Giáo hội ngay tại Thánh Lễ.  Như một dân tộc, chúng ta chia sẻ cùng một bữa ăn.  Một tấm bánh, một thân mình, một chén rượu, một bàn ăn.  Những dấu chỉ mang tính Thánh Thể này là tin mừng cho một thế giới đầy tràn những đổ vỡ chia rẽ và xung đột.  “Người Kitô hữu khi dự phần vào Phụng vụ Thánh Thể học cách trở thành những người khuyến khích sự hiệp nhất, hoà bình và tình liên đới trong mọi tình hoàn cảnh,” thể theo lời của Đức Gioan Phaolô II (MND 27).


Phục Vụ


Chúng ta cử hành Phụng Vụ Thánh Thể dựa trên ánh sáng của câu chuyện bữa Tiệc Ly theo Tin Mừng Gioan rất nhiều.  Khác với Tin Mừng Mat-thêu, Mác-cô và Lu-ca, Tin Mừng Gioan không tường thuật lại nghi thức thiết lập Bí tích Thánh Thể, chi tiết của việc chia sẻ tấm bánh và ly rượu mà ngày nay chúng ta hiểu là mầu nhiệm Thánh Thể.  Thay vào đó, thánh Gioan thuật lại việc rửa chân cho các Tông đồ.

Ý nghĩa sâu thẳm của Bí Tích Thánh Thể được gói gọn trong câu chuyện này.  Chăm sóc cho người hèn mọn nhất, người thua thiệt nhất, người yếu kém nhất chính là huy hiệu chính thức của đời sống mang tính Thánh Thể.  Đây là cách thức chúng ta tưởng nhớ Đức Giêsu: là Thầy và là Chúa, nhưng Ngài vẫn hạ mình xuống rửa chân cho các môn đệ.  Còn chúng ta, những môn đệ của Ngài, chúng ta còn được mời gọi tự hạ nhiều hơn nữa để chăm sóc cho những người thấp bé, nghèo khổ, những người có thể sẽ không bao giờ có khả năng trả ơn cho sự rộng rãi của chúng ta.



CÂU HỎI SUY NIỆM


  1. Những gì bạn đọc được trong bài trên xác tín niềm tin trước giờ của bạn?  Những gì thử thách hay đòi hỏi bạn phải suy nghĩ đánh giá lại niềm tin vốn có của bạn?
  2. Ôn lại “kế hoạch” sống Thánh Thể qua 3 điều được đặt ra: Tạ ơn, Liên đới, và Phục vụ.  Điều nào đối với bạn có tính thuyết phục nhất?  Tại sao?
  3. Sự thay đổi có thể là khó khăn làm người ta e ngại, đôi lúc cũng có thể đem lại niềm hân hoan và sự giải thoát.  Bạn có cảm giác thay đổi cá nhân nào đang hình thành trong mình do kết quả của việc bạn tham gia chương trình “Sống Thánh Thể” với nhóm của mình trong Mùa Chay này không?  Những cảm nghiệm của bạn đối với Thánh Lễ thay đổi thế nào sau khi tham dự chương trình này?


CÁC BÀI ĐỌC CHÚA NHẬT LỄ LÁ


   Rước Lá: Mác-cô 11: 1-10

   Thánh Lễ:
  • I-sa-i-a 50: 4-7
  • Thánh Vịnh 22
  • Phi-lip-phê 2: 6-11
  • Mác-cô 14:1 - 15:47



LỜI NGUYỆN HIỆP LỄ


Lạy Chúa, tại bàn tiệc Thánh Thể, Chúa cho chúng con được thỏa chí toại lòng.  Nhờ Con Một Chúa chịu khổ hình thập giá, Chúa làm cho chúng con tin tưởng vững vàng sẽ được ơn cứu độ, thì nhờ mầu nhiệm Người đã phục sinh, xin cho chúng con đạt tới quê trời như hằng mong ước.  Người hằng sống và hiển trị muôn đời.  Amen.



No comments:

Post a Comment