Monday, February 23, 2015

Chuẩn bị cho Chúa Nhật II Mùa Chay: NHỮNG AI HIỆN DIỆN TẠI BÀN TIỆC?



Thức ăn nhanh, bữa ăn tối thân tình, bữa ăn dọn ở nhà, bữa ăn sang trọng.  Chúng ta ăn uống như thế nào và với ai - phần nào biểu lộ chúng ta là ai.  Khi chúng ta chia sẻ bữa tiệc Thánh Thể với Chúa Giêsu và với nhau, điều đó nói gì về chúng ta? Chúng ta đã đến tham dự bàn tiệc Thánh Thể này thế nào?  Còn có những ai tham dự bàn tiệc Thánh Thể?


LỜI NGUYỆN NHẬP LỄ


Lạy Chúa, Chúa đã dạy chúng con phải vâng nghe Con yêu dấu của Chúa.  Xin lấy lời hằng sống nuôi dưỡng đức tin chúng con, nhờ vậy, cặp mắt tâm hồn chúng con sẽ trong sáng để nhìn thấy vinh quang tỏ hiện trong cuộc đời chúng con.  Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con. Amen



CÂU HỎI GỢI Ý:


  1. Hãy nhớ lại một kinh nghiệm gần đây khi bạn dùng bữa với những người mà bạn biết rất rõ thí dụ một bữa ăn gia đình hoặc với một nhóm bạn thân.  Hãy nhớ lại một dịp mà bạn dùng bữa với nhiều người mà một số bạn không biết rõ (ví dụ như trong một buổi picnic của giáo xứ hoặc tiệc cưới).  Những kinh nghiệm này khác nhau ra sao?  Bạn thích những buổi tụ họp lớn hay nhỏ?  Tại sao?
  2. Khi bạn lớn lên, hình dáng bàn ăn trong gia đình bạn ra sao?  Vuông, tròn, chữ nhật?  Mỗi người có chỗ nhất định?  Sự sắp đặt chỗ ngồi có nói lên vai trò và mối qua hệ khác nhau trong gia đình không?  Bạn đã mang theo được điều gì từ kinh nghiệm tuổi thơ về chỗ ngồi nơi bàn ăn trong gia đình và điều đó ảnh hưởng thế nào trên bạn?
  3. Hãy nhớ đến những người nghèo đói trên thế giới.  Còn những loại nghèo đói nào khác mà con người đang phải gánh chịu?

  

BÀI SUY NIỆM


Bữa ăn cho nhóm 12 Tông Đồ và cho năm ngàn người


Từ nhiều câu chuyện của Chúa Giêsu trong Phúc Âm, có hai cảnh huống khác nhau giúp chúng ta có cái nhìn về Thánh Thể.  Thứ nhất là Bữa Tiệc Ly.  Chúa Giêsu dùng bữa tiệc này với các Tông Đồ và là bạn thân tín của Ngài.  Các ngài đã theo Chúa một cách trung thành trong mọi hoàn cảnh.

Mười hai Tông Đồ đã có nhiều thời giờ với Chúa trước bữa Tiệc Ly.  Họ đã nghe lời giảng dạy và chứng kiến phép lạ của Chúa.  Họ đã hít thở bầu khí phấn chấn khi nước Trời được công bố và họ cũng đã giúp Chúa rao giảng.  Họ biết Thầy của mình khá đầy đủ để đón nhận vinh nhục một cách gần gũi và riêng tư.  Chúa Giêsu đã mở rộng tầm nhìn của họ về đời sống nơi bàn tiệc qua việc đồng bàn với những người bán thân, thu thuế, và tội lỗi – mà những người vị vọng từ chối đồng bàn với họ.

Cảnh huống của bữa tiệc Thánh Thể là khi Chúa Giêsu nuôi đám đông dân chúng.  Câu chuyện này đều được tường thuật trong bốn Phúc Âm.  Có một vài chi tiết dị biệt, nhưng căn bản tất cả rất giống nhau.  Những người đi theo Chúa Giêsu rất đông đảo.  Chúa Giêsu động lòng thương họ, Ngài giảng dạy và chữa lành người đau bệnh.  Điều bất tiện là những người này ở xa các làng mạc trong khi họ cần phải ăn uống.  Các môn đệ đều bó tay.  Nguồn thực phẩm để nuôi đám đông dân chúng rất ít ỏi.  Nhưng Chúa Giêsu vẫn muốn các môn đệ cung cấp thức ăn nuôi dân chúng.  Sự bất lực của các môn đệ trước việc nuôi đám đông dân khiến ta phải suy nghĩ.  Điều gì sẽ xảy ra?

Thế rồi phép lạ xảy ra.  Chúa Giêsu cầm lấy bánh, chúc lành, bẻ ra và phân phát.  Điều không tưởng nhưng trở thành hiện thực.  Mọi người đã được ăn uống no nê và vẫn còn dư mười hai thúng bánh.

Chúng ta không biết nhiều về phản ứng của đánm đông.  Chỉ có Phúc Âm theo Thánh Gioan tường thuật rằng dân chúng ban đầu thì đói, nhưng khi ra đi thì họ được no thỏa.

Hai bữa tiệc này nói lên tầm qua trọng của việc cử hành Bí Tích Thánh Thể của chúng ta.  Bí Tích Thánh Thể hôm nay là việc làm trọn vẹn tính cách thành viên trong giáo hội.  Đây là bữa tiệc của mọi bữa tiệc mà Chúa Giêsu là Thầy cả đã ngồi đồng bàn với các môn đệ thân tín theo Ngài.  Đây là nơi chúng ta nhận biết Chúa Phục Sinh với tư cách là những người bạn yêu dấu của Ngài.

Chính vì thế, nếu chúng ta quan niệm bữa Tiệc Thánh Thể là một bữa tiệc riêng tư chỉ dành cho một nhóm người riêng biệt trong Giáo Hội, thì chúng ta đã bỏ lỡ cái nhìn toàn cảnh.  Phúc Âm mở rộng tầm nhìn của chúng ta ra ngoài phạm vi bó buột và mở rộng tới những người nghèo đói của toàn nhân loại.  Chúa Giêsu động lòng thương xót đám đông dân chúng đang đói khát và Ngài đã nuôi sống họ.

Rửa Tội, Thêm Sức và Đến Bàn Tiệc Thánh


Một trong những tái khám phá lớn lao trong Giáo Hội ngày nay là tiến trình dự tòng.  Tham chiếu từ thực hành trong những thế kỷ đầu của Giáo Hội, tiến trình dự tòng là cách thức dẫn dắt những thành viên mới bước vào đời sống của Chúa Giêsu Kitô.  Những bước và giai đoạn trong khai tâm Kitô Giáo đã lôi kéo trí tưởng tượng của nhiều người.  Tại sao?  Bởi vì nó kết hợp tiến trình học hỏi để trở nên môn đệ Chúa qua việc cử hành các Bí Tích, và có được những kinh nghiệm trong cộng đoàn đức tin.  Tiến trình, các Bí Tích, và đời sống cộng đoàn được hoà quyện vào nhau.

Với việc thi hành chương trình khai tâm Kitô Giáo, dự tính cho lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội đã chậm lại nhưng diễn tiến một cách chắc chắn. Chúng ta bắt đầu hiểu rằng Bí Tích Rửa Tội nhắm vào ơn gọi trở thành môn đệ Chúa, và vì thế cần có thời gian.  Như những môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu, những ai muốn theo Ngài hôm nay cũng cần dành thời giờ với Ngài và chia sẻ đường lối của Ngài với anh chị em môn đệ khác, trước khi hoàn toàn chia sẻ bữa tiệc Thánh Thể của Ngài.

Nói cách khác, vì kinh nghiệm của chương trình khai tâm Kitô Giáo dành cho người lớn, Giáo Hội ngày nay đã nắm chắc hơn về tương quan giữa Bí Tích Rửa Tội và Thêm Sức với Bí Tích Thánh Thể.  Chúng ta được thanh tẩy trong nước Rửa Tội và xức dầu Thêm Sức để được xứng đáng tham dự bàn tiệc Thánh Thể.  Trước khi đi tham dự một bữa tiệc quan trọng, người ta thường tắm rửa và xức nước hoa thơm tho; chúng ta cũng chuẩn bị cho bữa tiệc Thánh Thể bằng việc thanh tẩy trong nước Rửa Tội, mặc áo mới, và được xức đầu thơm dự tòng.

Thanh tẩy, áo rửa tội, dầu dự tòng:  đây là những dấu tích của sự biến đổi sâu xa và linh thánh.  Chúng ta trở nên tạo vật mới mặc lấy Chúa Kitô.  Những ai tham dự bàn tiệc Thánh Thể được mời gọi chia sẻ trọn vẹn sự sống Chúa Kitô, Đấng hiện diện thực sự trong cộng đoàn.

Những người được mời gọi tham dự bàn tiệc Thánh Thể không phải vì họ thánh thiện tốt lành hơn người khác.  Phẩm giá của họ nơi bàn Thánh là món quà của ân sủng.  Nhưng đó cũng là một dấu chỉ cho cả thế giới.  Họ được kêu gọi và sai đi để giúp người khác khám phá ra vương quốc của công bằng, yêu thương và bình an từ Thiên Chúa, một vương quốc ngoài sức tưởng tượng của con người.

Đời sống mới của chúng ta trong Đức Kitô được ban phát qua Bí Tích Rửa Tội và được vững mạnh nơi Bí Tích Thêm Sức; đó là đời sống phục vụ.  Không có nơi nào biểu lộ rõ ràng hơn tại Bí Tích Thánh Thể: nơi đây, chúng ta được nuôi dưỡng rồi để được sai đi vào lòng thế giới.

Khi chúng ta hiểu sâu xa hơn mối qua hệ giữa Bí Tích Rửa Tội, Thêm Sức và Thánh Thể qua chương trình khai tâm Kitô Giáo, chúng ta cũng hiểu tầm qua trọng của việc rửa tội cho trẻ sơ sinh.  Việc học hỏi trở nên môn đệ trước hoặc sau khi lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội luôn là điều quan trọng.  Bí Tích, một cách nào đó, không tách rồi đời sống Kitô Hữu, nhưng nhào luyện con người chúng ta.  Các Bí Tích chữa lành, tái tạo và tha thứ chúng ta.

Trở lại câu chuyện Chúa hoá bánh nuôi năm ngàn người, chính Ngài đã ra lệnh “chính các con hãy cho họ ăn.”  Ai là người hiện diện nơi bàn Thánh?  Đám đông dân chúng.  Ngoài cửa, trên đồng vắng, Chúa Giêsu ban phát của ăn cho họ qua tay các môn đệ của Ngài, những người mà ban đầu không chắc họ có khả năng hoàn thành nhiệ vụ này.  Đâu là phản ứng của họ?  Họ cảm thấy mình không thể làm được, và thực sự là vậy.  Những gì trong khả năng của họ: năm chiếc bánh và hai con cả, thật là nhỏ nhoi ít ỏi. Đức Giêsu đòi họ làm điều không thể được.

Đây là một nghịch lý của ơn gọi Kitô Hữu.  Điều chúng ta tự sức mình không thể làm được, chúng ta có thể làm nhờ Đức Kitô và với Đức Kitô.



CÂU HỎI THẢO LUẬN


  1. Những thảo luận trên đây có mới mẻ và lôi kéo sự chú ý của bạn không?  Phản ứng của bạn thế nào?
  2. Hãy nghĩ về Bí Tích Rửa Tội hay Thêm Sức của riêng bạn bao gồm hình ảnh, câu chuyện, ký ức trong gia đình đã đem đến cho bạn.  Hãy nhớ lại nơi chốn, thời giờ, và những người có mặt ở đó.  Có sự liên hệ nào giữa những biến cố này và cuộc sống của bạn với tư cách là môn đệ của Chúa Giêsu ngày hôm nay không?
  3. Có bao giờ bạn cảm thấy thiếu tự tin để đáp trả lời mời gọi của Chúa?  Đều gì đã giúp bạn trong những giây phút đó?
  4. Trong tất cả những nhóm người có nhu cầu được chăm sóc nuôi dưỡng cách đặc biệt ngày nay, bạn nhóm nào mình được kêu gọi để phục vụ?  Hãy thảo luận cách thức bạn có thể làm để đáp lại lời kêu gọi phục vụ này.



LỜI CHÚA TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT II MÙA CHAY

  • Sáng Thế Ký 9: 8-15
  • Thánh Vịnh 25
  • I Phêrô 3: 18-22
  • Mác-cô 1: 12-15


LECTIO DIVINA

     Mác-cô 1:12-15


LỜI NGUYỆN HIỆP LỄ

Lạy Chúa, Chúa đã cho chúng con được vinh dự rước Mình và Máu Thánh Đức Kitô là bí tích nhiệm mầu cao cả.  Chúng con chân thành cảm tạ vì Chúa đã cho chúng con được nếm thử phúc lộc trên trời ngay còn khi ở dưới thế.  Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.  Amen.


No comments:

Post a Comment