Tuesday, March 10, 2015

Chuẩn bị cho Chúa Nhật Tuần IV Mùa Chay: VAI TRÒ LINH ĐỘNG CỦA CHÚA THÁNH THẦN


Thiên Chúa ta thờ là Đấng vô hình, và Chúa Ngôi Ba dường như là Đấng huyền nhiệm nhất.  Gió, hơi thở, chim bồ câu?  Thật ra vai trò chính xác của Chúa Thánh Thần trong một Thánh Lễ là gì?  Học biết cách tìm hiểu và đáp lại những hoạt động của Chúa Thánh Thần trong con người chúng ta và những người khác là một nhiệm vụ cả một đời.  Vậy Phụng vụ giúp gì cho chúng ta trong nhiệm vụ đó?


LỜI NGUYỆN NHẬP LỄ

Lạy Chúa, Chúa đã sai Con Một giáng trần để thực hiện công trình kỳ diệu là cho loài người được hòa giải với Chúa.  Xin ban cho toàn thể dân Chúa khắp hoàn cầu được lòng tin sống động để hăm hở đón mừng lễ Vượt Qua sắp tới.  Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.  Amen.




CÂU HỎI THẢO LUẬN MỞ ĐẦU

  1. Bạn có thể “nói mà không dùng lời” không?  Cho ví dụ.  Điều này có giống cách thức Chúa “nói” với chúng ta không?  Phụng Vụ “nói” gì với chúng ta?
  2. Đâu là một vài ơn thông thường và ơn đặc biệt của Chúa Thánh Thần trong Hội Thánh mà bạn biết hoặc nghe qua?  Điều đó ảnh hưởng đến cảm nghiệm của bạn trong việc tham dự Thánh Lễ ra sao?
  3. Có bao giờ bạn cảm thấy mình ngạc nhiên về một cảm nghiệm tâm linh nào đó trong tâm trí mình, hoặc cảm thấy tràn đầy bình an trong tâm hồn, hoặc cảm thấy hân hoan, và tự nói với mình, “đây là tác động của Chúa Thánh Thần” không?  Tại sao có?  Tại sao không?



BÀI SUY NIỆM


Bạn có nhớ Kinh Đức Chúa Thánh Thần không?

Chúng con lạy ơn Đức Chúa Thánh Thần thiêng liêng sáng láng vô cùng, chúng con xin Đức Chúa Thánh Thần xuống.
Đầy lòng chúng con là kẻ tin cậy Đức Chúa Trời, và đốt lửa kính mến đức Chúa Trời trong lòng chúng con. 
Chúng con xin Đức Chúa Trời cho Đức Chúa Thánh Thánh Thần xuống.
Sửa lại mọi sự trong ngoài chúng con.
Chúng con cầu cùng Đức Chúa Trời, xưa đã cho Đức Chúa Thánh Thần xuống, soi lòng dạy dỗ các Thánh Tông Đồ, thì rày chúng con cũng xin Đức Chúa Trời cho Đức Chúa Thánh Thần lại xuống, an ủi, dạy dỗ chúng con làm những việc lành, vì công nghiệp vô cùng Đức Chúa Giêsu Kitô là Chúa chúng con.  Amen.

Lòng tôn sùng Chúa Thánh Thần là một việc đạo đức tốt đẹp và một đức tin cao quý.  Người Công Giáo chúng ta thường nghĩ đến kinh trên đây mỗi khi nói về Chúa Thánh Thần, hoặc ôn lại những gì chúng ta đã học về vai trò của Chúa Thánh Thần trong Bí Tích Thêm Sức, hoặc nhớ lại câu chuyện Ngài hiện xuống trong sách Công Vụ Tông Đồ. 

Có thể ít ai nhớ ra ngay vai trò của Chúa Thánh Thần trong một Thánh Lễ.  Nhưng thật vậy, Ngài có vai trò vô cùng quan trọng mỗi khi Thánh Lễ được cử hành.  Kinh Đức Chúa Thánh Thần mà ta vừa đọc thật ra là tập họp từ những lời kinh và suy niệm từ Phụng vụ (Thánh Thể), và vai trò của Ngài còn sâu đậm trong Thánh Lễ hơn nữa.  Sự thật này thật đáng để chúng ta suy nghĩ và tìm hiểu trong bài suy niệm tuần này.

Sứ Vụ Biến Đổi


Việc Chúa Thánh Thần biến đổi bánh và rượu thành Mình và Máu Đức Kitô là hành động trung tâm của Bí Tích Thánh Thể.  Khi Linh mục đặt tay trên bánh và rượu và kêu gọi Chúa Thánh Thần ngự xuống, chúng ta chứng kiến biểu tượng đặc trưng của việc Chúa Thánh Thần hiện xuống.  Trong đức tin chúng ta biết Chúa Thánh Thần đang hoạt động mãnh liệt.
Ngày nay, sự kiện này nghe có vẻ bình thường, nhưng trước Công Đồng Vaticanô II, vai trò này của Chúa Thánh Thần chưa được hiểu rõ.  Trong Kinh Nguyện Thánh Thể I, Kinh Nguyện duy nhất và hoàn toàn trong tiếng La Tinh trong suốt 400 năm trước Công đồng Vaticanô II, trong Kinh Nguyện này không có phần Linh mục đặt tay trên của lễ, hoặc không có nhắc đến tác vụ của Chúa Thánh Thần.  Hoạt động của Chúa Thánh Thần thầm hiểu đến chứ không được nhắc đến rõ ràng.  Để nhấn mạnh vai trò sinh động của Chúa Thánh Thần, những Kinh Nguyện Thánh Thể được viết sau Công đồng Vaticanô II cố ý thêm phần nhắc đến Thần Khí Chúa và việc đặt tay của Linh mục.  Như Sách Giáo Lý Công Giáo đã dạy, quyền năng của lời Đức Kitô và của Chúa Thánh Thần làm cho Chúa Kitô hiện diện trong Thánh Lễ (#1373-1375 và 1104-1107).

Ngoài ra còn có một vài điểm khác chúng ta cần biết.  Khoảng nữa đầu thế kỷ 20, các chuyên gia, tín hữu và các các Đức Giáo Hoàng bắt đầu để ý nhiều đến Phụng Vụ của các Giáo Hội Đông Phương, trong đó Chúa Thánh Thần được nhắc đến như có vai trò vô cùng quan trọng.  Những nghi thức Phụng Vụ cổ truyền từ các Giáo Hội Đông Phương ảnh hưởng rất nhiều trong việc viết nên những Kinh Nguyện Thánh Thể mới.  Qua việc nhắc đến tác động của Chúa Thánh Thần, Giáo Hội Công Giáo La Tinh của chúng ta trở nên trung thành với bản chất vốn có của mình hơn, cùng một lúc tôn trọng những nổ lực trong chiều hướng đại kết tôn giáo.

Ở phần sau của Kinh Nguyện Thánh Thể (trừ KNTT 1), Linh mục cũng cầu nguyện xin Đức Chúa Thánh Thần làm cho dân người trở nên thánh thiện.  Lời nguyện này không bao gồm động tác đặt tay, nhưng cũng là một hành động kêu gọi ơn Chúa Thánh Thần đổ xuống.  Qua lời nguyện này, chúng ta nhận ra Chúa Thánh Thần không những biến đổi bánh và rượu, mà Ngài còn biến đổi con người chúng ta (Giáo Lý CG #1109). 


Dâng Lễ, Lời Nguyện, Hiệp Lễ và Sai Đi


Chúa Thánh Thần thêm sức mạnh cho chúng ta.  Vai trò tác động này được cảm nghiệm qua nhiều phương diện khác nhau của buổi lễ.  Thần Khí luôn hoạt động liên lĩ trong chúng ta để làm cho Thánh Lễ sinh hoa trái trong chúng ta và cho thế giới.  Thần Khí chuẩn bị chúng ta để có thể đón nhận Lời Chúa với đức tin.  Thần Khí tràn đầy trong trái tim chúng ta qua câu kinh lời hát, chuyển cầu cho chúng ta mọi nơi mọi lúc.  Thần Khí liên kết chúng ta trong sự hiệp nhất, đặc biệt là qua nghi thức Hiệp Lễ, cũng như trong toàn thể Thánh Lễ.  Sau cùng, Thần Khí ban sức mạnh khi chúng ta được sai đi để chu toàn sứ vụ của mình.
Thần Khí không “tự mình nói” nhưng luôn nói với chúng ta qua người khác (xem GLCG 687).  Thần Khí nói với chúng ta qua lời được linh hứng trong Thánh Kinh, và qua kinh nguyện, qua đức tin, và qua những chứng từ của Giáo Hội.

Thần Khí luôn chỉ dẫn chúng ta đến mạc khải trong Đức Kitô.  Vì thế, dù Thần Khí hoạt động tự do và mang lại nhiều bất ngờ, Ngài không bao giờ đối lập với những sự thật đã được mạc khải trong Đức Kitô.


Chúa Thánh Thần là ai?


Như được diễn tả trong thần học ở những thể kỷ đầu, Giáo Hội dựa vào những mạc khải trong cả Cựu Ước lẫn Tân Ước để định nghĩa Chúa Thánh Thần là Ngôi Ba trong Thiên Chúa Ba Ngôi.  Chúa Thánh Thần không  phải là nguồn lực hoặc một nguồn năng lượng mà thật sự là một bản thể, một bản thể thiêng liêng.

Kinh Thánh Tân Ước cho chúng ta một bức tranh sinh động về Chúa Thánh Thần, một bức tranh đã được tín hữu mọi thời làm chứng và cảm nghiệm.  Vì vậy, qua thánh Phaolô, chúng ta có thể nói rằng, Chúa Thánh Thần cầu bầu cho chúng ta khi chúng ta không biết cầu nguyện ra sao (Roma 8:26-27).  Với thánh Gioan, chúng ta có thể xác tính rằng Chúa Thánh Thần được Chúa Giêsu gởi đến như là vị trạng sư để hướng dẫn chúng ta đến sự thật toàn diện (Gioan 16: 7-11).  Chúng ta có thể vui mừng cùng với thánh Luca vì Chúa Thánh Thần luôn hiện diện và hoạt động trong lòng  Giáo Hội (Công Vụ 11: 15-18).  Với thánh Máccô, chúng ta chiêm ngưỡng Chúa Thánh Thần được liên tưởng tới dưới hình lửa, dưới sứ vụ tiên tri và với thời gian viên mãn (Máccô 1:8, 13:11).  Với thánh Matthêu, chúng ta có thể thấy Chúa Thánh Thần hoàn thành những giao ước giữa Thiên Chúa với dân Người  (Máthêu 1:20-23, 12:17-21).


Thần Khí và Đời Sống Kitô Hữu


 Chúng ta tuyên xin đức tin vào Chúa Thánh Thần qua Kinh Tin Kính, xác tín rằng:

            Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa, là Đấng ban sự sống, Người bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra, Người cùng được phụng thờ và được tôn vinh cùng với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con.  Người đã dùng các Tiên tri mà phán dạy.

Và hơn cả việc tuyên xưng đức tin này, niềm tin của chúng ta vào Chúa Thánh Thần  có thể được bộc lộ qua việc chúng ta vâng nghe theo những thúc đẩy của Ngài trong đời sống.  Lắng nghe Thần Khí, đáp trả lại Thần Khí, và hân hoan trong Thần Khí, là những phần không thể thiếu được trong nhịp sống của người Kitô Hữu.

Chúng ta học cách lắng nghe và đáp lại Chúa Thánh Thần qua việc loan truyền Tin Mừng và học hỏi Giáo lý, và còn hơn thế nữa, chúng ta cảm thấy yêu mến và gần gũi với Ngài hơn qua cách chúng ta thờ  phượng Chúa.  Làm thế nào để biết cái nào là tốt hay xấu?  Chúng nên cầu nguyện điều gì?  Chúng ta cần cảm ơn Chúa về điều gì?  Chúc tụng Ngài vì điều gì?  Chúa Thánh Thần giúp chúng ta trong tất cả mọi lĩnh vực này qua những kinh nguyện của Giáo Hội. 

Chúa Thánh Thần cũng hoạt động mãnh liệt trong thế giới.  Chúng ta có thể tận hưởng viềm vui khi nhận ra sự hiện diện của Chúa Thánh Thần nơi những người lạ mặt, những người không đi nhà thờ nào cả, những người không thuộc các đạo Kitô … những người và những nơi mà chúng ta không nghĩ rằng Ngài hiện diện; nhưng Chúa Thánh Thần luôn đi tiên phong trước chúng ta trong sứ vụ của Ngài.


CÂU HỎI THẢO LUẬN

  1. Bạn học hỏi được điều gì trong bài suy niệm trên?  Phản ứng của bạn ra sao?  Có phần nào không được rõ ràng với bạn không?
  2. Vai trò của Chúa Thánh Thần trong Phụng vụ được liệt kê như sau: chuẩn bị, cầu bầu, biến đổi, hiệp nhất, và sai đi.  Vai trò nào bạn nghĩ Giáo Xứ mình cần được đầu tư,  học hỏi để phát huy nhiều nhất?
  3. Có vài người nói rằng chúng ta sẽ nhận ra sự hiện diện của Chúa Thánh Thần nhiều nhất ngoài môi trường nhà thờ.  Cũng có một số người khác lại nhận định hoàn toàn ngược lại.  Bạn cảm thấy thế nào trong mỗi nhận định này?  Đối với bạn, mỗi nhận định trên sẽ dẫn đến kết quả và thái độ nào cho một tín hữu trong việc hoàn thành sứ mạng truyền giáo?



CÁC BÀI ĐỌC

  • Sách Ký Sự quyển II  36: 14-16, 19-23
  • Thánh Vịnh 137
  • Êphêsô 2: 4-10
  • Gioan 3: 14-21


LECTIO DIVINA

Êphêsô 2: 4-10



LỜI NGUYỆN HIỆP LỄ


Lạy Chúa là ánh sáng muôn đời chiếu soi mọi người sinh ra trong trần thế, xin rộng ban ân sủng làm cho tâm hồn chúng con được bừng sáng huy hoàng, để chúng con hằng biết suy tưởng những điều đẹp lòng Chúa, và chân thành yêu mến Chúa mỗi ngày một hơn.  Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.  Amen.


No comments:

Post a Comment