Tuesday, March 24, 2015

Chuẩn bị cho Chúa Nhật Lễ Lá: ĐIỀU GÌ ĐƯỢC THAY ĐỔI QUA THÁNH LỄ

Quan niệm hời hợt về Thánh Lễ thường dẫn đến kết luận là mọi sự trong Thánh Lễ đều được giữ cố định không dịch chuyển.  Nhìn bề ngoài thì có vẻ y như vậy: tuần nào chúng ta cũng làm một số cử chỉ giống nhau, nói những lời thưa giống nhau, nhiều khi hát cùng những bài hát tuần trước nữa.  Sự cố định và chu kỳ lập lại có thể tạo cho ta cảm giác yên ổn, nhưng có phải đó là tất cả trong một Thánh Lễ không? 


LỜI NGUYỆN NHẬP LỄ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã muốn cho Đấng cứu chuộc loài người phải sống kiếp phàm nhân và chịu khổ hình thập giá để nêu gương kiêm nhường cho thiên hạ noi theo.  Xin cho chúng con biết đón nhận bài học Người để lại trong cuộc thương khó, và được thông phần vinh quang phục sinh với Người.  Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.  Amen.


CÂU HỎI MỞI ĐẦU

  1. Hãy đo thời gian xem hoạt động sau đây kéo dài bao lâu: Tường thuật lại cốt truyện của một cuốn phim, tiểu thuyết, truyện ngắn hay một bản kịch trên TV mà bạn thích nhất (dành vài phút thinh lặng để chuẩn bị).  Sau một vài truyện, bây giờ tường thuật lại “cốt truyện” của một Thánh Lễ (dành vài phút chuẩn bị).  Theo bạn thì “cốt truyện” của một Thánh Lễ là gì?
  2. Là con người, chúng ta chỉ sống ở trần gian trong một thời gian giới hạn.  Chúng ta không thể hoàn thành tất cả những gì mình mong muốn hoàn thành.  Tuy nhiên, mỗi người đều có thể có ảnh hưởng đến người khác và ảnh hưởng đến thế giới.  Sau khi cuộc đời mình qua đi, bạn muốn để lại danh tiếng gì của mình?
  3. Mùa Chay dần kết thúc và Tuần Thánh bắt đầu, bạn muốn dâng lời cầu nguyện gì cho nhóm chia sẻ này của mình?


 


BÀI SUY NIỆM


Trên Đường E-mau


Trong câu chuyện thân thuộc từ Thánh Kinh (Luca 24: 13-35), có hai Môn đệ đang trên đướng đến làng E-mau.  Trên đường đi, họ gặp một người lạ và nói chuyện với ông ta, chia sẻ với ông ta những khủng hoảng khi đối diện với những gì xảy ra với thầy của họ là Đức Giêsu Nazarét.  Giữa những trao đổi sôi nổi đó, người lạ mặt khai mở ý nghĩa của những trang Kinh Thánh cho họ.  Họ cảm thấy được đánh động sâu xa.  Họ mời người lạ ở lại với họ, và đã nhận ra ông ta là ai qua nghi thức bẻ bánh.  Người lạ mặt đó chính là Đức Giêsu.  Hai Môn đệ vội vã đi báo lại cho những người khác: chúng tôi đã nhìn thấy Đức Chúa.

Lần mở câu chuyện này, chúng ta thấy được cấu trúc của một Thánh Lễ.  Chúng ta tụ họp lại với nhau, rất có thể với nhiều ưu tư về quá khứ và đầy những lo lắng về tương lai.  Trong Phụng Vụ Lời Chúa, chúng ta đón nhận Thánh Kinh được công bố và giảng giải.  Tâm hồn chúng ta được đánh động mãnh liệt vì chúng ta thấy được ý nghĩa của những sự kiện trong hiện tại, và hé mở cho thấy sự hiện diện của Chúa trong tất cả những sự kiện đó.  Và trong bữa ăn thiêng liêng Bàn Tiệc Thánh Thể, chúng ta gặp gỡ Đức Giêsu đang ở giữa chúng ta.  Chúng ta nhận ra Ngài qua nghi thức bẻ bánh.  Ngài đã sống lại.  Ngài vẫn đang sống.  Ngài hiện diện với chúng ta.  Sau cùng, chúng ta được sai đi để chia sẻ Tin Mừng trọng đại này với người khác.

Hai Môn đệ trong câu chuyện vội vã lên đường để loan truyền cho người khác những gì họ đã thấy và nghe.  Họ tràn đầy nhiệt huyết.  Họ được thay đổi sâu xa bởi sự gặp gỡ với Đức Chúa Phục Sinh.

Còn chúng ta thì sao?


Điều Được Thay Đổi


Niềm tin của người Công Giáo đặt trọng tâm ở sự thay đổi bánh và rượu trở thành Mình mà Máu Đức Kitô.  Đây là một sự thay đổi thực sự và rất quan trọng.  Nhưng hơn nữa, nếu chúng ta biết mở lòng trước quyền năng của Chúa Thánh Thần trong Bí Tích Thánh Thể, sự thay đổi ở Bánh và Rượu còn tiếp tục đi xa hơn nữa.  Đó sự thay đổi ở những người tham dự mầu nhiệm đó.

Chúng ta cũng được thay đổi.  Tham dự vào mầu nhiệm Thánh Thể làm chúng ta nên một với Mình và Máu Đức Kitô, từ đó chúng ta có thể được “đổ ra” và “cho đi” cho cuộc sống của thế giới.  Hội Thánh được kêu mời chia sẻ sứ vụ của Đức Kitô và Chúa Thánh Thần.  Thật là một ơn gọi tuyệt vời.

Khi Giáo Hội đáp lại lời mời kêu mời này, đem ánh sáng Đức Kitô đến cho mọi người và đem chân lý Kitô vào cấu trúc của xã hội, những thay đổi dựa trên nền tảng Tin Mừng cũng sẽ tuôn chảy vào thế giới của chúng ta.  Và như hiệu ứng dây chuyền, món quà tình yêu ơn cứu độ của Chúa bắt nguồn từ mầu nhiệm Thánh Thể, qua mỗi người tham dự chúng ta, và đi đến những ai chúng ta gặp gỡ trong cuộc sống.


Đó Là Một Kế Hoạch


Trong tông huấn Mane Nobiscum Domine (2004), Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II gọi cuộc gặp gỡ với Đức Kitô trong Thánh Lễ là một lời kêu gọi khẩn thiết cho chúng ta trong việc làm chứng và rao truyền Tin Mừng (MND 24).  Lấy từ cấu trúc của Thánh Lễ, Đức Thánh Cha chỉ ra rằng, “nghi thức sai đi ở cuối lễ là một nghĩa vụ được trao cho các Kitô hữu, mời gọi họ làm việc để loan truyền Tin Mừng và thấm nhuần xã hội với những giá trị Kitô Giáo.”
Ngài còn giải thích rằng Thánh Lễ không những gợi hứng cho ta đi đến việc truyền giáo, mà còn cho chúng ta một kế hoạch để đi theo khi chúng ta đáp lại lời mời gọi của Chúa đi đến với anh em trong thế giới.

Thánh Lễ “cho chúng ta một kế hoạch” có nghĩa là thế nào?  Thánh Lễ nuôi dưỡng và ban sức mạnh cho chúng ta, đó là điều đương nhiên.  Thánh Lễ gợi nhiều cảm hứng, đó là điều đương nhiên.  Nhưng bất cứ hành động nào chúng ta làm (hay bỏ bê không làm) một khi chúng ta rời khỏi nhà thờ sau Thánh Lễ, có phải hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định của chúng ta?  Hay là: Nhiệm tích Thánh Thể khi vừa được cử hành xong chẳng chỉ ra cho chúng ta phải làm gì hay làm nó ra sao, có phải vậy chăng?

Dĩ nhiên Thánh Lễ không xiết chặt chúng ta trong một khuông khổ cứng nhắt với những chỉ định chi ly buột chúng ta tiếp tục sứ mạng của Đức Kitô bằng cách nào.  Thánh Lễ không đề ra cho chúng ta một kế hoạch như kiểu một cuốn sách hướng dẫn làm thế nào lắp ráp một cái bàn cái ghế.  Thánh Lễ cho chúng ta một kế hoạch theo ý nghĩa khác.  Khi tín hữu tham dự Thánh Lễ với mức độ giá trị và ý nghĩa nhất định, cả tâm tình bên trong lẫn cử chỉ bên ngoài, chúng ta bắt đầu để ý thấy một nhịp điệu xuất hiện.  Khi chúng ta để cho Nhiệm Tích Thánh Thể trong Thánh Lễ hình thành những hành động của chúng ta theo những nhịp điệu đó, chương trình của Thiên Chúa sẽ có cơ hội được thực hiện và tỏ lộ nơi thế giới chúng ta sống.


Tạ Ơn


Điều đầu tiên trong kế hoạch này là tâm tình tạ ơn.  Tiếng gốc của Thánh Lễ, Eucharist, có nghĩa là tạ ơn.  Kinh Tiền Tụng (trước khi truyền phép), the Eucharistic Prayer, là lời kinh tạ ơn của chúng ta dâng lên Thiên Chúa.  Lời nguyện trên bánh và rượu lúc chúng ta dâng của lễ trên bàn thờ cũng tràn đầy tâm tình tạ ơn, khi chúng ta chúc tụng Chúa vì những món quà đến từ sự tạo thành của Chúa.  Cử chỉ hướng lòng và hướng tất cả con người và bản thể của chúng ta lên đến Chúa trong tâm tình tạ ơn, đây là chiều hướng căn bản nhất trong cử hành Phụng Vụ Thánh Thể.

Tâm tình tạ ơn đó cũng là trung tâm điểm của việc chúng ta sống chứng nhân trong cuộc đời và việc chúng ta chia sẻ Tin Mừng của Đức Giêsu cho thế giới.  Tâm tình tạ ơn giúp chúng ta xác định sự hiện diện và sự tốt lành của Thiên Chúa.  Ngài luôn tuôn đổ tràn đầy ân sủng tốt đẹp.  Trong cuộc sống, chúng ta luôn cần phải biết ơn một người nào đó.  Bởi vì Chúa chúng ta là Thiên Chúa của tình yêu mạc khải qua Đức Giêsu Kitô, chúng ta luôn có thể tìm được từ đáy con tim của mình tiềm năng cho sự hỷ xả, và sẵn sàng độ lượng để cho tha nhân một cơ hội làm lại cuộc đời, và chúng ta có thể làm được như vậy ngay chính trong lòng xã hội hôm nay tràn đầy sự tranh chấp và nghiệt ngã này.  Sống theo kế hoạch của nhiệm tích Thánh Thể chính là sống theo tâm tình biết ơn và độ lượng này.

Người được uốn nắn bởi Mầu Nhiệm Thánh Thể hô hấp bằng tâm tình tạ ơn, và vì thế có thể đem tâm tình đó đến với người khác.  Họ biết đức tin có thể làm được tất cả (Mác-cô 9:23); họ biết không gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Chúa trong Đức Kitô (Rô-ma 8:38-39).  Con người của đức tin thấy được bằng chứng của tình Chúa yêu thương và quan phòng ngay cả trong những hoàn cảnh buồn sầu, đau khổ và mất mát.  Đây là chứng từ vô cùng mạnh mẽ.


Tình Liên Đới


Nếu Bí Tích Thánh Thể trong Thánh Lễ có mạc khải cho chúng ta điều gì, điều đó không là gì khác hơn mầu nhiệm của sự hiệp nhất.  Qua Thánh Lễ, chúng ta khám phá ra tất cả chúng ta đều là anh chị em với nhau.  Nhân loại thật là một gia đình, con của một vị Cha Chung đầy yêu thương.  Tái tạo lại mối tương quan chiều dọc (giữa con người với Thiên Chúa) và mối tương quan chiều ngang (giữa con người với con người) chính là công trình vĩ đại của Thiên Chúa, Đấng đã “giao hòa thế gian với Người trong Đức Kitô” (II Cô-rin-tô 5:19).

Sự hiệp nhất của nhân loại được nhìn thấy nơi Giáo hội ngay tại Thánh Lễ.  Như một dân tộc, chúng ta chia sẻ cùng một bữa ăn.  Một tấm bánh, một thân mình, một chén rượu, một bàn ăn.  Những dấu chỉ mang tính Thánh Thể này là tin mừng cho một thế giới đầy tràn những đổ vỡ chia rẽ và xung đột.  “Người Kitô hữu khi dự phần vào Phụng vụ Thánh Thể học cách trở thành những người khuyến khích sự hiệp nhất, hoà bình và tình liên đới trong mọi tình hoàn cảnh,” thể theo lời của Đức Gioan Phaolô II (MND 27).


Phục Vụ


Chúng ta cử hành Phụng Vụ Thánh Thể dựa trên ánh sáng của câu chuyện bữa Tiệc Ly theo Tin Mừng Gioan rất nhiều.  Khác với Tin Mừng Mat-thêu, Mác-cô và Lu-ca, Tin Mừng Gioan không tường thuật lại nghi thức thiết lập Bí tích Thánh Thể, chi tiết của việc chia sẻ tấm bánh và ly rượu mà ngày nay chúng ta hiểu là mầu nhiệm Thánh Thể.  Thay vào đó, thánh Gioan thuật lại việc rửa chân cho các Tông đồ.

Ý nghĩa sâu thẳm của Bí Tích Thánh Thể được gói gọn trong câu chuyện này.  Chăm sóc cho người hèn mọn nhất, người thua thiệt nhất, người yếu kém nhất chính là huy hiệu chính thức của đời sống mang tính Thánh Thể.  Đây là cách thức chúng ta tưởng nhớ Đức Giêsu: là Thầy và là Chúa, nhưng Ngài vẫn hạ mình xuống rửa chân cho các môn đệ.  Còn chúng ta, những môn đệ của Ngài, chúng ta còn được mời gọi tự hạ nhiều hơn nữa để chăm sóc cho những người thấp bé, nghèo khổ, những người có thể sẽ không bao giờ có khả năng trả ơn cho sự rộng rãi của chúng ta.



CÂU HỎI SUY NIỆM


  1. Những gì bạn đọc được trong bài trên xác tín niềm tin trước giờ của bạn?  Những gì thử thách hay đòi hỏi bạn phải suy nghĩ đánh giá lại niềm tin vốn có của bạn?
  2. Ôn lại “kế hoạch” sống Thánh Thể qua 3 điều được đặt ra: Tạ ơn, Liên đới, và Phục vụ.  Điều nào đối với bạn có tính thuyết phục nhất?  Tại sao?
  3. Sự thay đổi có thể là khó khăn làm người ta e ngại, đôi lúc cũng có thể đem lại niềm hân hoan và sự giải thoát.  Bạn có cảm giác thay đổi cá nhân nào đang hình thành trong mình do kết quả của việc bạn tham gia chương trình “Sống Thánh Thể” với nhóm của mình trong Mùa Chay này không?  Những cảm nghiệm của bạn đối với Thánh Lễ thay đổi thế nào sau khi tham dự chương trình này?


CÁC BÀI ĐỌC CHÚA NHẬT LỄ LÁ


   Rước Lá: Mác-cô 11: 1-10

   Thánh Lễ:
  • I-sa-i-a 50: 4-7
  • Thánh Vịnh 22
  • Phi-lip-phê 2: 6-11
  • Mác-cô 14:1 - 15:47



LỜI NGUYỆN HIỆP LỄ


Lạy Chúa, tại bàn tiệc Thánh Thể, Chúa cho chúng con được thỏa chí toại lòng.  Nhờ Con Một Chúa chịu khổ hình thập giá, Chúa làm cho chúng con tin tưởng vững vàng sẽ được ơn cứu độ, thì nhờ mầu nhiệm Người đã phục sinh, xin cho chúng con đạt tới quê trời như hằng mong ước.  Người hằng sống và hiển trị muôn đời.  Amen.



Monday, March 16, 2015

Chuẩn bị cho Chúa Nhật V Mùa Chay: ĐÁP TRẢ LỜI MỜI GỌI CỦA CHÚA NHƯ THẾ NÀO?



Tham dự Thánh Lễ có nghĩa là phải làm gì?  Tại sao việc ta dự phần trong Thánh lễ lại quan trọng?  Việc gì diễn ra khi ta tham dự?  Những cố gắng khuyến khích giáo dân tham dự một cách trọn vẹn và tích cực trong Thánh Lễ là một trong những phong trào có nhiều ảnh hưởng nhất trong Giáo Hội ở thế kỷ 20, và đó là điều đương nhiên: Chúng ta muốn và chúng ta cần phải đáp trả lại tiếng Chúa.  Nhưng đáp trả bằng cách nào?




LỜI NGUYỆN NHẬP LỄ

Lạy Chúa, vì yêu thương nhân loại, Đức Giêsu Kitô đã hiến thân chịu khổ hình; xin ban ơn trợ giúp, để chúng con biết noi gương Người tận tình yêu thương mọi an hem.  Người là Thiên Chúa hằng sốg và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.  Amen.




 


CÂU HỎI GỢI Ý


  1. Hồi tưởng lại một lần nào đó bạn cảm thấy mình thật sự tham dự Thánh Lễ một cách trọn vẹn và tích cực.  Yếu tố nào giúp bạn điều đó?  Bạn có cảm giác thế nào?  Cảm nghiệm đó có thay đổi đời sống bạn không?
  2. Hồi tưởng lại một Thánh Lễ nào khác mà bạn cảm thấy rất khó khăn hoặc không thể nào tham dự một cách tích cực được.  Yếu tố nào ngăn cản sự tham dự tích cực của bạn?  Bạn có cảm giác thế nào?
  3. Có những chữ, câu, cử chỉ, bài hát hay phần nào trong Thánh Lễ thỉnh thoảng gợi lại trong đầu bạn khi bạn đang ở một cảnh huống khác (như đang đi làm, ở nhà, lái xe, trong giấc mơ hay trong những suy tư trong ngày)?  Chọn một trong những điều đó và chia sẻ với nhóm.




BÀI SUY NIỆM



Tam Nhật Vượt Qua có những khoảnh khắc vô cùng ấn tượng.  Hãy kể đến hai trong những khoảnh khắc.  Thứ nhất, trong Nghi Thức Phụng Vụ Thứ Năm Tuần Thánh.  Sau phần Rước Lễ, Mình Thánh Chúa được rước trọng thể qua một bàn thờ phụ và được tiếp tục đặt trên bàn thờ đó cho giáo dân chầu cho tới nữa đêm.  Nếu bạn đã từng tham dự nghi thức này, hẳn bạn sẽ có ấn tượng mạnh đến khoảnh khắc linh thiêng trầm lắng, lúc mọi người  thinh lặng trong tâm tình cầu nguyện tôn thờ khi Mình Thánh được đặt ở bàn thờ phụ đó.  Làn hương trầm lơ lửng bay lên trước bàn thờ.  Áo thánh, khăn thánh lấp lánh phản chiếu những ánh nến lung linh.  Mọi người đều quỳ gối, nhưng đặc biệt hơn hết là sự thinh lặng trong cảm giác linh thiêng và của lòng thờ phượng tôn kính của mọi người đối với Mình Thánh Chúa.  Đức Kitô thực sự hiện diện và tự hiến hoàn toàn cho chúng ta.  Không ai lưu tâm đến bãi đậu xe đông đúc, không ai cựa quậy trong thiếu kiên nhẫn.  Trẻ nhỏ bị cuốn hút theo không khí tôn kính linh thiêng của mọi người khác trong phòng, trong khi gương mặt những cụ già phản chiếu sự bình an thanh thản lạ thường.


Ở một khoảnh khắc khác, cũng linh thiêng và đầy tràn ý nghĩa, nhưng lại có một tâm tình khác.  Khi Thánh Lễ Vọng Phục Sinh (hoặc Thánh Lễ Sáng Ngày Phục Sinh), có tiếng kèn đồng và đàn organ vang vọng.  Mọi người cùng đứng dậy và bắt đầu cất cao bài hát Phục Sinh cách tự tin và hăng say.  Khoảnh khắc nắm bắt được niềm hân hoan Phục Sinh và chiến thắng khải hoàn, khi Linh mục và các thừa tác viên cùng rước ra khỏi nhà thờ.  Những tân tòng vừa được rửa tội xúng xính trong màu áo trắng, mặt rạng rỡ vui tươi.  Mọi con tim đều như tuôn tràn niềm hân hoan.  Mùi hoa lily thơm ngát, ngọn nến Phục Sinh sừng sững oai nghi, dòng nước giếng rửa tội lấp lánh, tất cả đều như để loan truyền rằng Đức Kitô đã sống lại.  Ngài đã sống lại thật rồi.




Sự Tham Dự trong Phụng vụ: một biến cố thật, nhiều phương diện khác nhau


Việc tham dự hai nghi thức Phụng vụ này mang hai sắc thái và cảm giác khác nhau.  Một cái mang tính thinh lặng trầm mặc, còn cái kia thì hân hoan tràn đầy thanh âm vui mừng.  Nhưng thật ra, cả hai khoảnh khắc này có nhiều điểm tương đồng.  Trong cả hai trường hợp, toàn thân thể người tín hữu cùng tham dự vào Phụng vụ: các giác quan, các tư thế và cử điệu, âm nhạc hay sự thinh lặng, v.v…  Phụng Vụ dẫn dắt chúng ta tham dự vào mầu nhiệm thánh bằng cách sử dụng những khả năng tự nhiên của cơ thể con người một cách tài tình, sử dụng tất cả bản thể vật chất của con người chúng ta.  Quỳ, đứng, hít mùi hương trầm hoặc hoa phục sinh, nhìn hoặc nghe, tất cả đều hòa quyện vào nhau bằng cách thức riêng của mỗi người.  Hãy tự cảm nhận lúc chúng ta lấy hơi thật sâu khi cất tiếng hát, và cả con người cảm thấy được sức rung động khi nghe những người chung quanh hòa nhịp vào cùng một dòng nhạc, khi đó chúng ta sẽ bắt đầu cảm nhận được sự phát triển tự nhiên và sâu sắc của cử điệu Phụng vụ, chẳng hạn như việc cộng đoàn hát chung thánh ca.  Hãy tự cảm nhận sức mạnh những giây phút thinh lặng.  Tất cả những điều này đều là những cách thức diễn tả rất con người.


Thế giới nội  tâm cũng không kém phần quan trọng: những suy nghĩ, ý tưởng, cảm xúc và những cam kết, những yếu tố được gọi là “thái độ của con tim,” tất cả đều có phần trong cảm nghiệm Phụng vụ.  Những yếu tố nội tâm này đóng vai trò chính yếu trong việc tham dự Phụng vụ.  Cùng chiêm ngắm mầu nhiệm Đức Giêsu trong Phép Thánh Thể khi chúng ta cùng bái quỳ trước Mình Thánh trong ngày Thứ Năm Tuần Thánh, đó là một cách tham dự.  Cùng chia sẻ với người xung quanh cảm nghiệm say sưa tôn kính trong giây phút đó cũng là một cách tham dự.  Cùng xác tín Đức Kitô đã sống lại, và cùng hoan hỉ vui mừng với mọi người trong cùng một con tim, đó cũng là một cách tham dự.  Chia sẻ tất cả những cảm nghiệm này với anh chị em tân tòng mới vừa được rửa tội, những người thật sự vừa nhận được sự sống mới trong Bí Tích, cũng là một cách tham dự trong Phụng vụ.


Những yếu tố bề ngoài dĩ nhiên rõ ràng đối với mọi người.  Người khác có thể để ý thấy ta đáp kinh, cất tiếng hát, đứng, ngồi hoặc bái quỳ ở những thời điểm thích hợp.  Những yếu tố bên trong thì trái lại, chỉ thoang thoảng.  Chúng ta có từng nghe lời mọi gọi hoán cải trong Phụng Vụ Lời Chúa?  Chúng ta đã từng kết hợp đời sống của mình vào hiến tế của Đức Kitô trên bàn thờ?  Chúng ta đã lần nào cầu nguyện từ trong sâu thẳm của con tim?  Chúng ta đã từng cảm nhận sự hiệp nhất với những anh chị em xung quanh?  Những câu hỏi không phải lúc nào cũng rõ ràng, nhưng đây là những câu hỏi quan trọng.  Những việc tham dự trong nội tâm sẽ dần dần ảnh hưởng đến thế giới bên ngoài.  Việc chúng ta tham sự trong nội tâm thế nào sẽ được tỏ lộ qua hoa trái của nó.  Những hoa trái này qua một thời gian dài sẽ dần dần tỏ lộ trong đời sống thường ngày, ngoài phạm vi phụng vụ.


Những phương diện bề ngoài của việc tham dự Phụng vụ cũng quan trong.  Chúng ta cùng hoạt động như là một Giáo hội qua những cách thức cụ thể trong Phụng vụ.  Qua các Bí Tích, Thiên Chúa đối thoại với chúng ta qua những thứ giác quan có thể cảm nhận được.  Hơn nữa, Phụng vụ sử dụng những hình thức được Chúa Giêsu truyền lại và được Truyền Thống trân trọng: bánh và rượu, lời thiêng, cử chỉ, v.v…  Những hình thức này đã biến đổi qua thời gian, nhưng là những yếu tố không thể thiếu được.


Nhưng nếu thiếu những thái độ nội tâm thích hợp trong việc tham dự, hiệu quả của một buổi Phụng vụ có thể bị ảnh hưởng hay mất hẳn, có thể trở thành luật lệ máy móc hoặc là những hình thức giải trí, hay là những gì hời hợt: một buổi trình diễn và không có giá trị nào trường tồn.  Chúng ta có thể đọc kinh nhưng không hiểu ý nghĩa của lời kinh.  Chúng ta có thể cử hành nhiều nghi thức nhưng tâm trí để ở nơi nào khác.  Chúng ta có thể để ý đến nhiều chi tiết nhỏ, nhưng bỏ mất ý nghĩa chính.  Tham dự cách trọn vẹn và tích cực là một hành động tâm linh … là hành động của Chúa Thánh Thần trong mỗi chúng ta.  Và cho tất cả những con người bất toàn chúng ta, đây là cách thức chúng ta có thể thăng tiến.




Vài Điểm Lịch Sử


Mục đích chủ ý của Phụng Vụ là những hành động đức tin của các tín hữu.  Những nghị phụ trong Công đồng Vaticanô II đã chỉ ra những điều đó trong điều 14 của Hiến Chế Phụng Vụ Thánh: “Mẹ Giáo Hội tha thiết mong muốn mọi tín hữu được hướng dẫn đến sự tham dự toàn vẹn và tích cực vào một buổi cử hành Phụng vụ.  Cách tham dự đó là đòi hỏi tự bản chất của một buổi Phụng vụ.  Cách tham dự đó của những Kitô hữu như là ‘một giống nòi được tuyển chọn, hàng tư tế vương giả và một dân tộc thánh thiện’ (I Phêrô 2:0, cf 2:4-5), là quyền lợi và bổn phận của những người đã lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội.”


Những khuyến khích việc tham dự Phụng vụ cách tích cực là động cơ chủ yếu thúc đẩy Phong Trào Phụng Vụ của nữa đầu thế kỷ 20, phong trào dẫn đến những cải cách Phụng vụ ở Công đồng Vaticanô vào thập niên 60.  Từ năm 1910, Đức Thánh Cha Pio X đã xác định: việc tham dự Phụng vụ là nguồn mạch không thể thiếu được của đời sống tâm linh Kitô Hữu.”  Đức Thánh Cha Pio XII trong Thông điệp Mediator Dei (1947) đã gọi tích cực tham dự Phụng vụ là “bổn phận chính và là phẩm giá cao quý nhất của con người.”  Ngài thôi thúc các tín hữu tham dự vào các Phụng vụ “không theo kiểu uể oải hay cẩu thả,” nhưng “với sự hăng say và tập trung cao độ.”


Tại sao các Đức Thánh Cha và các bậc lãnh đạo Giáo Hội phải lên tiếng thôi thúc tín hữu trong việc tham dự tích cực như vậy?  Lý do là vì sự tham dự Phụng vụ trong những thế kỷ trước đó đã sa sút lỏng lẽo cách đáng buồn.  Nhiều câu kinh trở nên không thể nào hiểu được; tất cả đều bằng tiếng La-tinh, một ngôn ngữ ngày càng ít người hiểu.  Giáo dân không thể nào thấy được chuyện gì đang diễn ra trên bàn thờ, họ cũng không hiểu chính họ phải là một phần tích cực trong Phụng vụ đang diễn ra đó.  Linh mục và các giúp lễ đang “làm lễ,” những giáo dân đang “xem lễ” hơn là đang tham dự một cách tích cực.  Dần dà, họ bắt đầu những hình thức đạo đức cá nhân khác cùng một lúc Thánh Lễ đang diễn ra.  Ít ra là họ có thể dùng thời gian đó để cầu nguyện suy niệm.  Đây là thái độ quá xa vời với việc cử hành Phụng vụ cách chân chính theo truyền thống của Giáo hội.


Từ đó trở đi, đặc biệt là qua Công đồng Vaticanô II và những áp dụng của Công đồng sau đó, đã có rất nhiều sự canh tân và cải cách.  Toàn Giáo Hội như một lần nữa lập lại cam kết tham dự Phụng vụ cách trọn vẹn và tích cực hơn.




Những tranh luận tiếp tục


Cơ hội tham dự tích cực vào Phụng vụ ngày hôm nay đã tiến bộ khá xa so với quá khứ.  Tuy nhiên, đây vẫn là đề tài được tranh cãi rất nhiều.  Điều gì vun đắp cho sự tham dự cách sâu xa và có hiệu quả?  Làm thế nào để mỗi lứa tuổi có thể tham dự tốt nhất?  Văn hóa ảnh hưởng đến việc tín hữu cảm nhận Phụng vụ ra sao?  Truyền thông và những tiến bộ về kỹ thuật ảnh hưởng đến việc chúng ta tham dự Phụng vụ ra sao?  Các Giáo lý viên (Tân Tòng) và chương trình mystagogy (những hướng dẫn suy niệm sau những nghi thức Phụng vụ) đóng vai trò gì trong khuyến khích việc tham dự Phụng vụ?


Ca ngợi và chúc tụng Thiên Chúa qua Phụng vụ làm thỏa mãn một nhu cầu sâu xa của con người và đáp lại ơn gọi của một Kitô Hữu.  Hoa quả của nó sẽ tràn trề trong cuộc sống và là hành động đức tin trong thế giới.  Sự tham dự tích cực của tín hữu trong Phụng vụ là viên ngọc quý đền đáp lại cái giá đắt phải trả của Giáo hội trong những nỗ lực canh tân Phụng vụ.



CÂU HỎI THẢO LUẬN


  1. Điểm nào trong bài suy niệm này xác tín những cảm nhiệm trước giờ bạn vẫn có?  Điểm nào làm bạn ngạc nhiên, hoặc khiến bạn suy nghĩ lại cảm nghiệm của mình trong việc tham dự Phụng vụ?
  2. Trong Giáo xứ của bạn, để giáo dân có thể tham dự Phụng vụ thêm ý thức, thêm tích cực và thêm trọn vẹn, bạn nghĩ họ cần phải có những kỹ năng nào?  Chính cá nhân bạn, bạn có thể làm gì để giúp người khác tham dự cách hiệu quả hơn?
  3. Những thảo luận về việc tham dự Phụng vụ cách tích cực thường đi đôi với những đề tài văn hóa, truyền thông, sự khác biệt giữa các thế hệ, v.v…  Đâu là đề tài nóng bỏng nhất đối với cá nhân bạn?  Đối với Giáo xứ bạn?  Theo bạn, có những khó khăn gì?




CÁC BÀI ĐỌC


  • Giêrêmia 31: 31-34
  • Thánh Vịnh 51
  • Do Thái 5: 7-9
  • Gioan 12: 20-33
LECTIO DIVINA
         Gioan 12: 20-26


 LỜI NGUYỆN HIỆP LỄ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con vừa được phúc kết hợp với Mình và Máu Thánh Đức Kitô, xin cho chúng con được trở nên những chi thể sống động của Người.  Người hằng sống và hiển trị muôn đời.  Amen.



Tuesday, March 10, 2015

Chuẩn bị cho Chúa Nhật Tuần IV Mùa Chay: VAI TRÒ LINH ĐỘNG CỦA CHÚA THÁNH THẦN


Thiên Chúa ta thờ là Đấng vô hình, và Chúa Ngôi Ba dường như là Đấng huyền nhiệm nhất.  Gió, hơi thở, chim bồ câu?  Thật ra vai trò chính xác của Chúa Thánh Thần trong một Thánh Lễ là gì?  Học biết cách tìm hiểu và đáp lại những hoạt động của Chúa Thánh Thần trong con người chúng ta và những người khác là một nhiệm vụ cả một đời.  Vậy Phụng vụ giúp gì cho chúng ta trong nhiệm vụ đó?


LỜI NGUYỆN NHẬP LỄ

Lạy Chúa, Chúa đã sai Con Một giáng trần để thực hiện công trình kỳ diệu là cho loài người được hòa giải với Chúa.  Xin ban cho toàn thể dân Chúa khắp hoàn cầu được lòng tin sống động để hăm hở đón mừng lễ Vượt Qua sắp tới.  Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.  Amen.




CÂU HỎI THẢO LUẬN MỞ ĐẦU

  1. Bạn có thể “nói mà không dùng lời” không?  Cho ví dụ.  Điều này có giống cách thức Chúa “nói” với chúng ta không?  Phụng Vụ “nói” gì với chúng ta?
  2. Đâu là một vài ơn thông thường và ơn đặc biệt của Chúa Thánh Thần trong Hội Thánh mà bạn biết hoặc nghe qua?  Điều đó ảnh hưởng đến cảm nghiệm của bạn trong việc tham dự Thánh Lễ ra sao?
  3. Có bao giờ bạn cảm thấy mình ngạc nhiên về một cảm nghiệm tâm linh nào đó trong tâm trí mình, hoặc cảm thấy tràn đầy bình an trong tâm hồn, hoặc cảm thấy hân hoan, và tự nói với mình, “đây là tác động của Chúa Thánh Thần” không?  Tại sao có?  Tại sao không?



BÀI SUY NIỆM


Bạn có nhớ Kinh Đức Chúa Thánh Thần không?

Chúng con lạy ơn Đức Chúa Thánh Thần thiêng liêng sáng láng vô cùng, chúng con xin Đức Chúa Thánh Thần xuống.
Đầy lòng chúng con là kẻ tin cậy Đức Chúa Trời, và đốt lửa kính mến đức Chúa Trời trong lòng chúng con. 
Chúng con xin Đức Chúa Trời cho Đức Chúa Thánh Thánh Thần xuống.
Sửa lại mọi sự trong ngoài chúng con.
Chúng con cầu cùng Đức Chúa Trời, xưa đã cho Đức Chúa Thánh Thần xuống, soi lòng dạy dỗ các Thánh Tông Đồ, thì rày chúng con cũng xin Đức Chúa Trời cho Đức Chúa Thánh Thần lại xuống, an ủi, dạy dỗ chúng con làm những việc lành, vì công nghiệp vô cùng Đức Chúa Giêsu Kitô là Chúa chúng con.  Amen.

Lòng tôn sùng Chúa Thánh Thần là một việc đạo đức tốt đẹp và một đức tin cao quý.  Người Công Giáo chúng ta thường nghĩ đến kinh trên đây mỗi khi nói về Chúa Thánh Thần, hoặc ôn lại những gì chúng ta đã học về vai trò của Chúa Thánh Thần trong Bí Tích Thêm Sức, hoặc nhớ lại câu chuyện Ngài hiện xuống trong sách Công Vụ Tông Đồ. 

Có thể ít ai nhớ ra ngay vai trò của Chúa Thánh Thần trong một Thánh Lễ.  Nhưng thật vậy, Ngài có vai trò vô cùng quan trọng mỗi khi Thánh Lễ được cử hành.  Kinh Đức Chúa Thánh Thần mà ta vừa đọc thật ra là tập họp từ những lời kinh và suy niệm từ Phụng vụ (Thánh Thể), và vai trò của Ngài còn sâu đậm trong Thánh Lễ hơn nữa.  Sự thật này thật đáng để chúng ta suy nghĩ và tìm hiểu trong bài suy niệm tuần này.

Sứ Vụ Biến Đổi


Việc Chúa Thánh Thần biến đổi bánh và rượu thành Mình và Máu Đức Kitô là hành động trung tâm của Bí Tích Thánh Thể.  Khi Linh mục đặt tay trên bánh và rượu và kêu gọi Chúa Thánh Thần ngự xuống, chúng ta chứng kiến biểu tượng đặc trưng của việc Chúa Thánh Thần hiện xuống.  Trong đức tin chúng ta biết Chúa Thánh Thần đang hoạt động mãnh liệt.
Ngày nay, sự kiện này nghe có vẻ bình thường, nhưng trước Công Đồng Vaticanô II, vai trò này của Chúa Thánh Thần chưa được hiểu rõ.  Trong Kinh Nguyện Thánh Thể I, Kinh Nguyện duy nhất và hoàn toàn trong tiếng La Tinh trong suốt 400 năm trước Công đồng Vaticanô II, trong Kinh Nguyện này không có phần Linh mục đặt tay trên của lễ, hoặc không có nhắc đến tác vụ của Chúa Thánh Thần.  Hoạt động của Chúa Thánh Thần thầm hiểu đến chứ không được nhắc đến rõ ràng.  Để nhấn mạnh vai trò sinh động của Chúa Thánh Thần, những Kinh Nguyện Thánh Thể được viết sau Công đồng Vaticanô II cố ý thêm phần nhắc đến Thần Khí Chúa và việc đặt tay của Linh mục.  Như Sách Giáo Lý Công Giáo đã dạy, quyền năng của lời Đức Kitô và của Chúa Thánh Thần làm cho Chúa Kitô hiện diện trong Thánh Lễ (#1373-1375 và 1104-1107).

Ngoài ra còn có một vài điểm khác chúng ta cần biết.  Khoảng nữa đầu thế kỷ 20, các chuyên gia, tín hữu và các các Đức Giáo Hoàng bắt đầu để ý nhiều đến Phụng Vụ của các Giáo Hội Đông Phương, trong đó Chúa Thánh Thần được nhắc đến như có vai trò vô cùng quan trọng.  Những nghi thức Phụng Vụ cổ truyền từ các Giáo Hội Đông Phương ảnh hưởng rất nhiều trong việc viết nên những Kinh Nguyện Thánh Thể mới.  Qua việc nhắc đến tác động của Chúa Thánh Thần, Giáo Hội Công Giáo La Tinh của chúng ta trở nên trung thành với bản chất vốn có của mình hơn, cùng một lúc tôn trọng những nổ lực trong chiều hướng đại kết tôn giáo.

Ở phần sau của Kinh Nguyện Thánh Thể (trừ KNTT 1), Linh mục cũng cầu nguyện xin Đức Chúa Thánh Thần làm cho dân người trở nên thánh thiện.  Lời nguyện này không bao gồm động tác đặt tay, nhưng cũng là một hành động kêu gọi ơn Chúa Thánh Thần đổ xuống.  Qua lời nguyện này, chúng ta nhận ra Chúa Thánh Thần không những biến đổi bánh và rượu, mà Ngài còn biến đổi con người chúng ta (Giáo Lý CG #1109). 


Dâng Lễ, Lời Nguyện, Hiệp Lễ và Sai Đi


Chúa Thánh Thần thêm sức mạnh cho chúng ta.  Vai trò tác động này được cảm nghiệm qua nhiều phương diện khác nhau của buổi lễ.  Thần Khí luôn hoạt động liên lĩ trong chúng ta để làm cho Thánh Lễ sinh hoa trái trong chúng ta và cho thế giới.  Thần Khí chuẩn bị chúng ta để có thể đón nhận Lời Chúa với đức tin.  Thần Khí tràn đầy trong trái tim chúng ta qua câu kinh lời hát, chuyển cầu cho chúng ta mọi nơi mọi lúc.  Thần Khí liên kết chúng ta trong sự hiệp nhất, đặc biệt là qua nghi thức Hiệp Lễ, cũng như trong toàn thể Thánh Lễ.  Sau cùng, Thần Khí ban sức mạnh khi chúng ta được sai đi để chu toàn sứ vụ của mình.
Thần Khí không “tự mình nói” nhưng luôn nói với chúng ta qua người khác (xem GLCG 687).  Thần Khí nói với chúng ta qua lời được linh hứng trong Thánh Kinh, và qua kinh nguyện, qua đức tin, và qua những chứng từ của Giáo Hội.

Thần Khí luôn chỉ dẫn chúng ta đến mạc khải trong Đức Kitô.  Vì thế, dù Thần Khí hoạt động tự do và mang lại nhiều bất ngờ, Ngài không bao giờ đối lập với những sự thật đã được mạc khải trong Đức Kitô.


Chúa Thánh Thần là ai?


Như được diễn tả trong thần học ở những thể kỷ đầu, Giáo Hội dựa vào những mạc khải trong cả Cựu Ước lẫn Tân Ước để định nghĩa Chúa Thánh Thần là Ngôi Ba trong Thiên Chúa Ba Ngôi.  Chúa Thánh Thần không  phải là nguồn lực hoặc một nguồn năng lượng mà thật sự là một bản thể, một bản thể thiêng liêng.

Kinh Thánh Tân Ước cho chúng ta một bức tranh sinh động về Chúa Thánh Thần, một bức tranh đã được tín hữu mọi thời làm chứng và cảm nghiệm.  Vì vậy, qua thánh Phaolô, chúng ta có thể nói rằng, Chúa Thánh Thần cầu bầu cho chúng ta khi chúng ta không biết cầu nguyện ra sao (Roma 8:26-27).  Với thánh Gioan, chúng ta có thể xác tính rằng Chúa Thánh Thần được Chúa Giêsu gởi đến như là vị trạng sư để hướng dẫn chúng ta đến sự thật toàn diện (Gioan 16: 7-11).  Chúng ta có thể vui mừng cùng với thánh Luca vì Chúa Thánh Thần luôn hiện diện và hoạt động trong lòng  Giáo Hội (Công Vụ 11: 15-18).  Với thánh Máccô, chúng ta chiêm ngưỡng Chúa Thánh Thần được liên tưởng tới dưới hình lửa, dưới sứ vụ tiên tri và với thời gian viên mãn (Máccô 1:8, 13:11).  Với thánh Matthêu, chúng ta có thể thấy Chúa Thánh Thần hoàn thành những giao ước giữa Thiên Chúa với dân Người  (Máthêu 1:20-23, 12:17-21).


Thần Khí và Đời Sống Kitô Hữu


 Chúng ta tuyên xin đức tin vào Chúa Thánh Thần qua Kinh Tin Kính, xác tín rằng:

            Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa, là Đấng ban sự sống, Người bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra, Người cùng được phụng thờ và được tôn vinh cùng với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con.  Người đã dùng các Tiên tri mà phán dạy.

Và hơn cả việc tuyên xưng đức tin này, niềm tin của chúng ta vào Chúa Thánh Thần  có thể được bộc lộ qua việc chúng ta vâng nghe theo những thúc đẩy của Ngài trong đời sống.  Lắng nghe Thần Khí, đáp trả lại Thần Khí, và hân hoan trong Thần Khí, là những phần không thể thiếu được trong nhịp sống của người Kitô Hữu.

Chúng ta học cách lắng nghe và đáp lại Chúa Thánh Thần qua việc loan truyền Tin Mừng và học hỏi Giáo lý, và còn hơn thế nữa, chúng ta cảm thấy yêu mến và gần gũi với Ngài hơn qua cách chúng ta thờ  phượng Chúa.  Làm thế nào để biết cái nào là tốt hay xấu?  Chúng nên cầu nguyện điều gì?  Chúng ta cần cảm ơn Chúa về điều gì?  Chúc tụng Ngài vì điều gì?  Chúa Thánh Thần giúp chúng ta trong tất cả mọi lĩnh vực này qua những kinh nguyện của Giáo Hội. 

Chúa Thánh Thần cũng hoạt động mãnh liệt trong thế giới.  Chúng ta có thể tận hưởng viềm vui khi nhận ra sự hiện diện của Chúa Thánh Thần nơi những người lạ mặt, những người không đi nhà thờ nào cả, những người không thuộc các đạo Kitô … những người và những nơi mà chúng ta không nghĩ rằng Ngài hiện diện; nhưng Chúa Thánh Thần luôn đi tiên phong trước chúng ta trong sứ vụ của Ngài.


CÂU HỎI THẢO LUẬN

  1. Bạn học hỏi được điều gì trong bài suy niệm trên?  Phản ứng của bạn ra sao?  Có phần nào không được rõ ràng với bạn không?
  2. Vai trò của Chúa Thánh Thần trong Phụng vụ được liệt kê như sau: chuẩn bị, cầu bầu, biến đổi, hiệp nhất, và sai đi.  Vai trò nào bạn nghĩ Giáo Xứ mình cần được đầu tư,  học hỏi để phát huy nhiều nhất?
  3. Có vài người nói rằng chúng ta sẽ nhận ra sự hiện diện của Chúa Thánh Thần nhiều nhất ngoài môi trường nhà thờ.  Cũng có một số người khác lại nhận định hoàn toàn ngược lại.  Bạn cảm thấy thế nào trong mỗi nhận định này?  Đối với bạn, mỗi nhận định trên sẽ dẫn đến kết quả và thái độ nào cho một tín hữu trong việc hoàn thành sứ mạng truyền giáo?



CÁC BÀI ĐỌC

  • Sách Ký Sự quyển II  36: 14-16, 19-23
  • Thánh Vịnh 137
  • Êphêsô 2: 4-10
  • Gioan 3: 14-21


LECTIO DIVINA

Êphêsô 2: 4-10



LỜI NGUYỆN HIỆP LỄ


Lạy Chúa là ánh sáng muôn đời chiếu soi mọi người sinh ra trong trần thế, xin rộng ban ân sủng làm cho tâm hồn chúng con được bừng sáng huy hoàng, để chúng con hằng biết suy tưởng những điều đẹp lòng Chúa, và chân thành yêu mến Chúa mỗi ngày một hơn.  Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.  Amen.


Monday, March 2, 2015

Chuẩn bị cho Chúa Nhật III Mùa Chay: NHỮNG GÌ DIỄN RA Ở THÁNH LỄ CHÚA NHẬT?


Thánh Lễ vừa là một hiến tế vừa là một bữa tiệc, nhưng nó không phải là một hiến tế bình thường hay là bất cứ một buổi tiệc bình thuờng nào khác.  Những danh từ đó có ý nghĩa đặc biệt gì đối với bạn?  Chỉ có qua việc tưởng nhớ cuộc đời Đức Giêsu: những gì Ngài dạy, những đau khổ Ngài gánh chịu, việc Ngài chỗi dậy từ cõi chết và sống trong sự sống mới , và việc Ngài kêu gọi chúng ta đến bàn tiệc nước trời … chúng ta mới có thể đi đến một hiểu biết những gì diễn ra ở Thánh Lễ.

LỜI NGUYỆN NHẬP LỄ

Lạy Chúa là Đấng rất từ bi nhân hậu, Chúa đã từng chỉ dạy chúng con cách chữa lành những vết thương tội lỗi: là ăn chay hãm mình, siêng năng cầu nguyện và chia cơm sẻ áo cho kẻ khó nghèo.  Này chúng con nhận biết mình yếu hèn lầm lỗi, và hết lòng sám hối ăn năn; xin Chúa thương đoài nhìn chúng con và đưa tay nâng đỡ.  Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.  Amen.




CÂU HỎI MỞ ĐẦU

  1. Hãy nhớ về kỷ niệm ngày Rước Lễ Lần Đầu: khung cảnh, những người hiện diện, những suy nghĩ và cảm xúc của bạn.  Thái độ và hiểu biết của bạn đối với Bí Tích Thánh Thể thay đổi như thế nào từ ngày hôm đó cho tới hôm nay?
  2. Bạn thích nhất hình ảnh nào của Đức Giêsu?  Hình ảnh đó trong tâm trí hay trên tranh ảnh có ý nghĩa gì đối với bạn?  Hình ảnh đó có liên hệ gì không đối với hình ảnh của Đức Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể mà bạn liên tưởng đến?
  3. Hãy thử một trò chơi nhỏ này:  Viết xuống trên giấy tất cả những hình ảnh, tư tưởng, câu, chữ hay bất cứ điều gì bạn liên tưởng tới khi bạn nghe chữ “thập giá.”  Làm y như vậy đối với chữ “bàn tiệc.”  Bạn có để ý thấy điểm gì đặc biệt trong những liên tưởng này không?  Các liên tưởng này có đi theo một mẫu thức (pattern) nào không?


BÀI SUY NIỆM

Món Quà Trí Nhớ


“Bạn có nhớ hồi nhỏ hay thích chơi nhảy dây không?”  “Hãy nhớ là bài tập này tuần sau phải nộp cho cô rồi đấy!”  “Bạn có nhớ nụ hôn đầu đời của mình không?”  “Khi biến cố 9/11 xảy ra, bạn có nhớ bạn đang làm gì không?”  “Nhớ đem theo găng tay đó nhé!”  “Mỗi khi nghe bài đó tôi lại nhớ đến giọng cười của bạn.”

Trí nhớ là một lĩnh vực tuyệt vời dùng để định nghĩa tính chất con người.  Trí nhớ có thể đem lại niềm vui sướng, cảm giác yêu thương, nó cũng có thể đem lại những ý nghĩ, những cảnh giác, hay đem lại sự hoài niệm, hay những cảm giác liên quan đến những cam kết giữa ta và một người khác.  Quá khứ trở thành hiện tại – và chúng ta có mặt ở những gì xảy ra trong quá khứ, trong cùng một cách thức có khả năng dẫn chúng ta bước tới tương lai.  Trí nhớ là cách thức mà qua đó, quá khứ và những gì chúng ta cam kết trong quá khứ trở thành hiện hữu trong hiện tại, và tiếp tục ảnh hưởng một cách sinh động trong đời sống hằng ngày của chúng ta.

Những ký ức đặc biệt nhất được hình thành dựa trên căn tính của người đó và trên những gì là quan trong nhất đối với người đó.  Ký ức thường chịu ảnh hưởng bởi những người chung quanh, những người giúp cho chúng ta nhớ lại những ký ức của mình.  Ký ức cũng thường được gợi lại bởi nhiều điều: một vật thể, một hình ảnh, một kỷ vật, một bản nhạc, một hương vị, một cảm giác xác thịt nào đó v.v…  Những ký ức chung giúp liên kết con người lại với nhau: nó giúp tăng cương bản tính cộng đồng.  Thật là một thảm kịch đáng thương cho ai bị căn bệnh mất trí nhớ, bởi vì nó làm cho người bệnh bị tách ly ra khỏi những người thân yêu đã từng chia sẻ cuộc đời với mình.

“Hãy nhớ mình là bụi tro …”  “Hãy nhớ đến những ai đã ra đi trước chúng ta, được ghi dấu bởi đức tin …”  “Lạy Chúa, xin hãy nhớ đến lòng thương xót Chúa.”  “Có thể nào người mẹ quên được con thơ? … Nhưng ngay chính khi người mẹ quên đi con mình, Ta vẫn nhớ đến con.”  Phụng Vụ, Thánh Vịnh, Thánh Kinh: tất cả đều nhắc đến đến sức mạnh của trí nhớ.  Tuy nhiên, không có bất cứ một ký ức nào mạnh mẽ, quan trọng, và mang nhiều hoa quả cho bằng ký ức về những gì Đức Giêsu đã làm cho chúng ta qua cái chết và sự phục sinh mang lại ơn cứu chuộc cho chúng ta.


“Hãy Làm Việc Này Mà Nhớ Đến Ta”


Ở bữa Tiệc Ly, khi Chúa Giêsu cầm lấy bánh, chúc tụng, bẻ ra và trao cho các Môn đệ, và khi Người chia sẻ chén rượu với các ông, Ngài cũng đã trao cho họ một mệnh lệnh: “Hãy làm việc này mà nhớ đến Ta.”  Qua lời nói: Mình Ta sẽ trao ban và Máu Ta sẽ đổ ra cho Giao Ước Mới, Ngài nói đến hiến tế trên đồi Canvê sắp sửa xảy ra.  Cho nên các Môn đệ nhớ đến điều gì khi họ thực hành mệnh lệnh “hãy làm việc này” của Thầy Giêsu?  Trên hết tất cả mọi sự, họ thật sự nhớ đến cuộc khổ hình của Đức Kitô, cái chết và phục sinh của Ngài -  đây là biến cố Ngài trao ban toàn vẹn bản thân mình cho sự sống của thế giới, đây là hiến tế ơn cứu độ cho chúng ta.

Khi chúng ta “tưởng nhớ” cái chết và sự sống lại cứu độ của Đức Giêsu trong Phụng vụ, đó là một sự “tưởng nhớ” đặc biệt và sâu sắc.  Có một từ trong ngôn ngữ Hy Lạp dùng để diễn tả hành động tưởng nhớ này, “anamnesis.”  Tưởng niệm trong Phụng vụ không chỉ đơn thuần là gợi nhớ lại các sự kiện diễn ra trong quá khứ xa xưa.  Hành động “tưởng nhớ” trong Phụng vụ có mang khả năng đem những sự kiện trong quá khứ đến thời điểm hiện tại cho những tín hữu, ngay chính tại chính nơi chốn và thời gian họ đang cử hành việc tưởng nhớ đó.  Những người Do Thái mừng lễ Vượt Qua hàng năm trong tinh thần đó: họ khuyến khích những người tham dự bữa tiệc Vượt Qua trong cách thức như thể chính họ đang được Chúa cứu ra khỏi nô lệ Ai Cập.  Cũng tương tự như vậy, mỗi khi chúng ta tụ họp với nhau vì Bí Tích Thánh Thể, chúng ta tưởng nhớ việc Chúa chịu chết và sống lại, và để việc tưởng nhớ này làm cho chúng ta hiện diện ở chính biến cố cứu chuộc ngay trong thời điểm hiện tại.

Cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô trong cách thức nhiệm mầu trở nên một sự kiện của thời điểm hiện tại mỗi khi Thánh Lễ được cử hành.  Như sách Giáo lý Công Giáo giải thích, “Mầu nhiệm Vượt Qua của Ngài là một biến cố thật đã xảy ra trong lịch sử, nhưng nó cũng rất đặc biệt: trong khi tất cả những biến cố lịch sử khác chỉ xảy ra có một lần và sẽ qua đi và biến mất trong qua khứ, mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô không gói gọn trong quá khứ của lịch sử, bởi vì qua cái chết Ngài đã tiêu diệt sự chết, và qua tất cả những gì Ngài thực hiện và chịu đựng cho con người, mầu nhiệm Vượt Qua diễn ra trong sự trường cữu thiêng liêng, vượt qua thời gian, cùng một lúc làm trở nên hiện hữu trong mọi thời điểm của thời gian.  Biến cố Thập Giá và Phục Sinh tác động và hướng mọi sự về sự sống” (#1085).  Phụng Vụ mở cánh cửa cho chúng ta bước vào biến cố cứu chuộc mỗi khi chúng ta cử hành nó.


Một Hiến Tế và Một Bữa Ăn


Sách Giáo lý Công Giáo cũng giải thích rằng Thánh Lễ còn được gọi là một hiến tế “bởi vì nó đem hy sinh Thập Giá vào thời điểm hiện tại, bởi vì nó là một lễ tưởng niệm” (#1366).  Sự hy sinh của Đức Kitô là hiến lễ độc nhất có thể đem lại ơn tha thứ mọi tội lỗi.  Chúng ta kết hiệp những hy sinh nhỏ bé của chúng ta – những hy sinh trong cuộc đời mình – vào hiến lễ hy sinh của Đức Kitô trên bàn thờ, bởi vì của lễ toàn hiến của Đức Kitô hoàn hảo, đầy đủ và luôn luôn được Đức Chúa Cha chấp nhận.

Đây là một ân huệ thật tuyệt vời: chúng ta được tham dự vào chính sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi mỗi khi chúng ta được đón nhận vào trong việc toàn hiến của Đức Kitô.  Chúng ta không thể mua được sự cứu độ cho mình qua việc tăng thêm số lượng hay chất lượng của những hy sinh cá nhân.  Thật ra, qua việc chúng ta kết hợp những của lễ yếu đuối bất toàn của đời mình vào hiến tế toàn diện và hoàn hảo của Đức Kitô, chúng ta bước đi trên con đường dẫn đến trọn hảo mỗi ngày một hơn, như là một món quà và một ân sủng.

Thánh Lễ còn là một bữa ăn thiêng liêng, trong đó chúng ta tưởng nhớ đến cuộc đời của Đức Giêsu và ôn lại việc Ngài vẫn luôn cầu bầu cho chúng ta trước mặt Thiên Chúa là Cha mọi loài.  Tưởng nhớ đến Ngài đồng nghĩa với việc làm theo lời dạy của Ngài và tham dự vào công việc mục vụ của Ngài.  Tại bàn tiệc Thánh Thể, làm sao chúng ta quên được biết bao nhiêu là những bữa tiệc khác của Đức Giêsu.  Có những bữa tiệc gây nhiều tranh cãi, như là bữa tiệc Ngài ngồi cùng bàn với những người tội lỗi và ăn uống với họ.  Có những bữa tiệc tràn đầy niềm vui khi sự hòa giải và hiếu khách được diễn ra.  Có những bữa tiệc Đức Giêsu thách đố cả chủ lẫn khách.  Và tại Bữa Tiệc Ly như Phúc Âm thánh Gioan diễn tả, Đức Giêsu rửa chân cho các Môn đệ và dạy họ bài học khiêm nhường và phục vụ họ không bao giờ quên.

Ngay cả sau khi sống lại, Đức Giêsu lại ăn uống với các Môn đệ Ngài.  Ngài làm bữa ăn sáng cho các ông tại bờ biển (Gioan 21:12).  Ở một lần hiện ra khác khi Ngài nói, “Chính Ta đây” chứ không phải bóng ma, Ngài đã ăn một miếng cá để chứng minh Ngài là người (Luca 24:39).  Bữa tiệc Thánh Thể vô cùng phong phú bởi vì nó có thê chỉ đến những phương diện khác nhau của con người Đức Giêsu, kể cả cuộc sống của Ngài sau khi phục sinh.

Và sau cùng, Thánh Lễ hướng chúng ta đến bàn tiệc vĩnh cữu trên Thiên đàng.  Thánh Lễ tưởng nhớ lại quá khứ, nhưng cùng một lúc hướng về tương lai.  Thiên đàng thường được Thánh Kinh diễn tả như là một bữa đại tiệc.  Tất cả niềm hy vọng của chúng ta được kết hiệp với Chúa muôn đời được diễn tả từ Bí Tích Rửa Tội chúng ta lãnh nhận, từ đó vẫn tiến về trước cho đến bữa đại tiệc cưới, nơi tiệc cưới này, Đức Kitô chính là vị tân lang.

Phụng Vụ Rửa Tội cũng rất ý nghĩa.  Khi người vừa được thanh tẩy nhận chiếc nến thắp sáng, những lời này được đọc lên: “Khi Thiên Chúa ngự đến, con hãy bước ra mà đón Ngài cùng với các thánh nơi Thiên Quốc.”  Những lời này gợi nhớ lại dụ ngôn những cô trinh nữ không ngoan và khờ dại (Matthêu 25:1-13).  Những cô khôn ngoan cẩn thận tích trữ dầu đèn của mình để nó có thể cháy sáng lên khi chàng rể đến, và họ sẽ được chàng rể đưa vào bữa tiệc cưới.  Thánh Lễ làm cho chúng ta háo hức mong chờ được tham dự bữa tiệc trên Thiên Quốc, chuẩn bị chúng ta cho bữa tiệc đó, và nung nấu niềm hy vọng vinh quang cho những ai mong chờ ngày trở lại của Đức Kitô.


CÂU HỎI HƯỚNG DẪN CHIA SẺ

  1. Khi theo dõi bài chia sẻ này, điều gì cuốn hút bạn và tại sao?  Điều gì làm bạn khó hiểu, băn khoăn, và tại sao?
  2. Suy niệm: việc tôi tận hiến cuộc đời mình cho Chúa có nghĩa là gì?  Điều gì giúp bạn dâng hiến cuộc đời mình cho Chúa trong Thánh Lễ?  Điều gì ngăn trở bản dâng hiến đời mình trong cách thức này?
  3. Trong tất cả những câu chuyện về các bữa tiệc trong Phúc Âm (ví dụ: tiệc có Matta và Maria, tiệc Chúa ăn cùng bàn với gái điếm và người thu thuế, tiệc mừng người con hoang đàng trở về, tiệc hóa bánh nuôi năm ngàn người, tiệc nơi Chúa Giêsu rửa chân các Môn đệ, tiệc tại làng Emau, v.v..), bữa tiệc nào bạn thích thú nhất?  Bữa tiệc đó liên quan thế nào đến bữa tiệc Thánh Thể?  Nó có mang ý nghĩa gì đến đời sống thường nhật?


CÁC BÀI ĐỌC THÁNH LỄ

  • Xuất Hành 20: 1-17
  • Thánh Vịnh 19
  • I Côrintô 1: 22-25
  • Gioan 2: 13-25


LECTIO DIVINA

            Xuất Hành 20: 1-3, 7-10, 12-17


LỜI NGUYỆN HIỆP LỄ


Lạy Chúa, Chúa đã cho chúng con, tuy còn ở dưới thế, được nếm thử lương thực trên trời.  Xin cho mọi người chúng con biết đem cả cuộc đời hiện tại biểu dương những kỳ công tuyệt vời mà Bí tích Thánh Thể vừa thực hiện nơi chúng con.  Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.  Amen.